Tạo điều kiện cho gia đình chính sách xóa đói giảm nghèo

09:10 - Thứ Hai, 21/08/2017 Lượt xem: 6728 In bài viết
ĐBP - Năm 1970, sau khi bị thương trong một trận đánh ác liệt tại chiến trường Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng (thương binh 25%) xuất ngũ trở về quê hương tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đến năm 1978, gia đình ông lên Điện Biên xây dựng kinh tế mới và được bố trí ở đội 12, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên). Những ngày đầu mới lên tuy gặp nhiều khó khăn lại mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng ông Thắng luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và hàng xóm, láng giềng. Đặc biệt gia đình ông được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế theo mô hình VAC.

Đến nay, gia đình ông có 2 ao nuôi thả cá với diện tích hơn 2.000m2, gần 1.000m2 mía, nuôi hơn 100 con vịt đẻ và 15 con lợn thịt mỗi lứa. Từ mô hình VAC cho gia đình ông thu nhập mỗi năm khoảng 120 triệu đồng. Ông Thắng chia sẻ: Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, được chia sẻ những khó khăn vật chất lẫn tinh thần, những người thương binh như chúng tôi cảm thấy như được cổ vũ, tiếp thêm động lực để tiếp tục “chiến đấu” với đói nghèo.

 

Thương binh Nguyễn Văn Thắng, đội 12, xã Thanh Yên chăm sóc vườn mía.

Giống như thương binh Nguyễn Văn Thắng, những năm qua, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Điện Biên đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt lên những khó khăn riêng, tiếp tục mang sức lực, trí tuệ xây dựng ổn định cuộc sống, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thương binh sản xuất giỏi có mức thu nhập bình quân hàng năm từ 50 - 150 triệu đồng. Điển hình như các gia đình: Vi Viết Phú (xã Sam Mứn) với mô hình vườn - ao - chuồng - rừng; Hoàng Công Bình (xã Thanh Yên) với mô hình trồng cây ăn quả; Trần Thanh Nhật (xã Noong Hẹt); Nguyễn Văn Thắng (xã Thanh Luông); Lò Văn Lả (xã Mường Pồn); Lò Văn Hặc (xã Nà Tấu)...

Nhằm động viên, tạo điều kiện cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, những năm qua, phát huy truyền thống “đền ơn, đáp nghĩa”, huyện Điện Biên đẩy mạnh các hoạt động chăm lo gia đình chính sách với nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực. Đến nay, huyện đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước cho hơn 4.400 lượt đối tượng là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 68 tỷ đồng; trợ cấp ưu đãi giáo dục cho hơn 1.000 lượt học sinh, sinh viên là con thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng; cấp hơn 10.000 lượt thẻ BHYT cho người có công và thân nhân người có công; tổ chức điều dưỡng luân phiên hàng năm tại gia đình và trung tâm điều dưỡng người có công cho gần 1.500 người có công với kinh phí gần 760 triệu đồng.

Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn huyện Điện Biên còn phát huy được sự góp sức của toàn xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng chăm sóc người có công”. Phong trào đã thu hút sự ủng hộ, tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức như: Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên, Trường THCS Thanh Xương, Công ty Bảo Việt, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Quỹ thiện tâm… Thông qua đó, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 118 đối tượng người có công với tổng kinh phí trên 3,7 tỷ đồng; hỗ trợ cho 30 hộ thuộc các đối tượng chính sách vay 150 triệu đồng để phát triển chăn nuôi từ quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; tặng cho đối tượng người có công với cách mạng 426 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền trên 450 triệu đồng…

Từ những nỗ lực trên, đến nay 95% gia đình chính sách trên địa bàn huyện có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương, 30% số hộ gia đình làm kinh tế giỏi, 50% hộ gia đình có mức sống khá, 15% số gia đình có mức sống trung bình.

Ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa công tác “đền ơn đáp nghĩa”, tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng liên quan đến chế độ chính sách trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top