Phiêng Vang bao giờ hết đìu hiu?

09:00 - Thứ Năm, 24/08/2017 Lượt xem: 8363 In bài viết
ĐBP - Dự án Khu tái định cư (TĐC) bản Phiêng Vang, xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo) được triển khai từ năm 2010 bằng nguồn vốn thuộc Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm mục đích tạo nơi ở ổn định cho 45 hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã Ta Ma, với tổng mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm bàn giao đưa vào sử dụng, đến nay khu TĐC này vẫn đìu hiu, thưa thớt dân cư. Nhiều ngôi nhà được làm chắc chắn nhưng bỏ không, cỏ mọc um tùm...

Nằm cách trung tâm xã Ta Ma hơn 10km nhưng đường đi vào bản Phiêng Vai vô cùng khó khăn, nhất là vào mưa. Bởi không ít đoạn vẫn còn là đường đất chưa được rải cấp phối. Đến Phiêng Vai những ngày giữa tháng 8, khi đang vào giữa mùa mưa khiến quãng đường của chúng tôi thêm dài hơn và vất vả hơn. Đồng chí Giàng A Dua, Chủ tịch UBND xã Ta Ma cảnh báo: Mùa này vào Phiêng Vang, đồng chí cứ xác định là chỉ đi xe máy được khoảng 5km đầu thôi nhé, chứ đoạn sau là phải cuốc bộ đấy. Mưa dầm dề cả tuần nay rồi, đường trơn rất khó đi. Chúng tôi là “thổ địa” nơi đây mà có việc vào bản mùa này cũng “ngán”. Với hy vọng vào vùng “đất mới” sẽ khai thác được thêm nhiều thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, tôi quyết tâm lên đường. Dù đã được cảnh báo trước nhưng tôi cũng không thể hình dung nổi đoạn đường về Phiêng Vang lại khó đi đến thế. Có những đoạn bùn sâu phải cài số 1, số 2 xe rồ ga, khói khét lẹt mà bánh vẫn quay tít mù dậm chân tại chỗ. Không đi được đành phải đẩy, đoạn thì đường trơn như đổ mỡ khẽ mớm ga xe cũng quay ngang 180 độ. Đánh vật cùng con “ngựa sắt” mất hơn 1 giờ đồng hồ, Phiêng Vang mới hiện ra trong tầm mắt.

 

Khuôn viên sân điểm trường tiểu học tại khu tái định cư Phiêng Vang trở thành nơi trồng ngô của người dân.

Bên cạnh những cánh đồng lúa xanh mướt là những ngôi nhà lợp prô xi măng trắng đều tăm tắp nằm theo ô bàn cờ, phân cách nhau bởi đường bê tông nội bản đã được bê tông hóa. Xa là vậy, nhưng khi đến đầu bản thì không gian lại buồn và tĩnh lặng đến lạ thường. Đi mãi đến giữa bản mới gặp vài ba đứa trẻ đang chơi đùa. Người đầu tiên tôi tìm gặp là Bí thư Chi bộ bản Phiêng Vang Hảng Gàng Chá, nhưng ông không có trong bản. Theo lời một số hộ dân xung quanh, ông Chá về nhà cũ ở Phiêng Cứ. Người thứ 2 tôi tìm đến là Trưởng bản Giàng A Phềnh nhưng anh cũng không ở bản vì mới về nhà cũ ở Phiêng Cứ cách đây 2 ngày. Bất đắc dĩ, tôi phải tìm đến những hộ dân đang sinh sống trong bản để nắm tình hình. Anh Thào Páng Dế, người dân bản Phiêng Vang cho biết: Năm 2013, gia đình tôi chuyển từ Phiêng Cứ về đây. Vui mừng, phấn khởi thay vì trên bản cũ gia đình tôi có 5 người nhưng vẫn phải sống chung với bố mẹ và các em; nay chuyển về đây vừa được chính quyền cấp cho 400m2 đất, hỗ trợ 17 triệu đồng tiền di chuyển và làm nhà mới, lại được gần đất sản xuất rất tiện... Không chỉ vậy, đến nơi ở mới còn được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông nội bản, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm trường mầm non và tiểu học đồng bộ và khang trang, thuận lợi cho các cháu đến trường.

Cơ sở vật chất khang trang là vậy nhưng hiện nay, số hộ ở cố định trong bản Phiêng Vang chỉ chiếm khoảng 50% trong tổng số 45 hộ. Còn lại có hộ đã làm nhà nhưng rồi bỏ hoang, quay về bản cũ để ở; có hộ coi như lán nương chỉ ở lại khi làm mùa… Như gia đình ông Hảng Gàng Chá, Bí thư Chi bộ bản từ khi làm nhà xong chỉ đi lại vào mùa làm nương; hay nhà trưởng bản Giàng A Phềnh có nhà ở trung tâm bản nhưng cũng bỏ hoang không ở mà chuyển ra làm nhà gần ruộng, gần ao... Như để chứng minh cho lời nói của mình, anh Thào Páng Dế dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản. Quả thật có rất nhiều ngôi nhà được làm chắc chắn nhưng xung quanh cỏ mọc um tùm vì không có người ở, có ngôi nhà làm được phần mái lại bỏ hoang thành chỗ buộc bò, buộc dê; còn sân nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm trường tiểu học thành nơi trồng… ngô của người dân. Anh Dế cũng cho biết: Điểm trường tiểu học từ khi xây dựng xong chưa một lần được đưa vào sử dụng vì cả bản chưa năm nào có quá 10 cháu học tiểu học...

Trao đổi về tình hình thực tế tại khu TĐC Phiêng Vang, ông Giàng A Dua, Chủ tịch UBND xã Ta Ma cho biết: Khu TĐC Phiêng Vang có địa hình bằng phẳng, đất sản xuất khá màu mỡ; cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ. Khi việc xây dựng hoàn thành, chính quyền xã đã vận động và 45 hộ dân chuyển về nơi ở mới nhưng sau đó một số hộ đã chuyển về nơi ở cũ vì không có điện. Về vấn đề này, trong những buổi tiếp xúc cử tri, chính quyền xã và nhân dân trong bản cũng đã kiến nghị cấp trên xem xét, sớm giải quyết.

Có thể nói, việc xây dựng những khu TĐC giúp người dân vùng thiên tai, khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, định canh, định cư là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở những khu vực này. Nhưng để các khu TĐC trở nên thiết thực, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí sau đầu tư như ở Phiêng Vang rất cần cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo sớm có biện pháp giải quyết.

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top