Chú trọng công tác điều tra, nâng cao chất lượng đào tạo nghề

09:15 - Thứ Sáu, 25/08/2017 Lượt xem: 6122 In bài viết
ĐBP - Để xác định các nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Đề án 1956, một trong những giải pháp là làm tốt công tác điều tra, rà soát và dự báo nhu cầu học nghề. Từ những bất cập của giai đoạn trước, giai đoạn 2016 - 2020 huyện Điện Biên đã có những điều chỉnh để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả hơn.

 

Nhờ tham gia các lớp tập huấn về trồng rau an toàn, người dân xã Thanh Hưng mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rau tăng thu nhập. Ảnh: Thành Đạt

Giai đoạn 2011 - 2015, theo số liệu điều tra, tổng số người có nhu cầu đăng ký học nghề trên địa bàn huyện Điện Biên là gần 5.100 người; trong đó 4.000 người có nhu cầu học nghề nông nghiệp, gần 1.100 người có nhu cầu học nghề phi nông nghiệp. Kết quả khảo sát cũng cho thấy: 100% cấp xã được khảo sát có Ban Chỉ đạo thực hiện đề án; trên 60% thành viên Ban Chỉ đạo nắm được nội dung cơ bản các chính sách của đề án; 90% LĐNT tham gia học nghề để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất; 2% học nghề để làm việc tại doanh nghiệp; 3% lao động học nghề để cung cấp sản phẩm cho hợp tác xã, doanh nghiệp (được hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm); 1% học nghề để biết; 4% lao động học nghề không xác định được mục đích học nghề; 100% người học nghề có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, trong đó 65% số người học nghề đã được vay vốn, hỗ trợ sản xuất.

Từ kết quả điều tra, rà soát UBND huyện đã xây dựng danh mục nghề đào tạo, kế hoạch thực hiện đề án hàng năm, phân bổ kế hoạch, huy động các cơ sở dạy nghề thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề sát với thực tế, có định hướng đào tạo nghề của huyện những năm tiếp theo.

Ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên cho biết: Trong quá trình thực hiện công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn, huyện cũng vướng phải một số khó khăn, vướng mắc như: Thời gian điều tra, khảo sát và thống kê nhu cầu học nghề của người dân quá ngắn (1 tháng), trong khi đó, ở cơ sở cùng một lúc phải thực hiện nhiều cuộc điều tra trên các lĩnh vực khác khiến công việc bị quá tải. Nhận thức về đăng ký học nghề của LĐNT còn hạn chế, lúng túng trong lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng bản thân. Lực lượng điều tra viên tại các cơ sở còn quá mỏng, yếu về năng lực tư vấn học nghề nên chất lượng điều tra, khảo sát chưa cao và sát thực với yêu cầu của đề án.

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Điện Biên đã có những sửa đổi, bổ sung trong hoạt động điều tra, rà soát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT. Theo đó, ngoài tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, định kỳ hàng năm huyện sẽ tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung, đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó tập trung rà soát, cập nhật bổ sung danh mục nghề đào tạo; xác định nhu cầu của LĐNT theo từng nghề và cấp trình độ đào tạo; xác định nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề (số lượng, chất lượng, cơ cấu) của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động; xác định nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT để thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề cho LĐNT về: Nghề đào tạo, chương trình, học liệu, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo để xác định điều kiện tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Trong quá trình khảo sát, điều tra viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người lao động thay đổi xác định lựa chọn nghề phù hợp nhóm tuổi, định hướng phát triển kinh tế của gia đình và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo từng địa bàn. Từ đó, hướng tới hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo nghề cho 4.500 LĐNT, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt tối thiểu 80%.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top