Người vẽ quốc kỳ Việt Nam

08:49 - Thứ Năm, 31/08/2017 Lượt xem: 6907 In bài viết
ĐBP - Đó là tác giả Nguyễn Hữu Tiến, sinh ngày 5/3/1901, quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Ông được kết nạp vào Đảng năm 1930, trở thành người đảng viên đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Ông tham gia cách mạng và đã bị thực dân Pháp bắt, đòi kết án tử hình. Sau khi chống án, án tử hình được đổi thành án chung thân khổ sai và đày đi Côn Đảo. Tại đây, Nguyễn Hữu Tiến vượt ngục về hoạt động cách mạng ở Sài Gòn và Nam bộ. Ông được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền cùng hoạt động với các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…

 

Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam kỳ họp mở rộng thông qua đề cương khởi nghĩa. Được đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai mô tả lại một số quốc kỳ của các nước Cộng hòa Xô viết, ông nung nấu ý định vẽ lá cờ Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Đêm cuối cùng trước khi rời cơ quan tuyên truyền của Đảng, từ xóm Chuồng Ngựa về Bàn Cờ, dưới ngọn đèn leo lét, ông đã thức trắng đêm để vẽ đi vẽ lại trên phiến đá hình tượng lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh của năm tầng lớp nhân dân: Sĩ - Nông - Công - Thương - Binh đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh lần đầu tiên được in trên trang nhất tờ báo “Tiến lên” cùng với bài thơ do Nguyễn Hữu Tiến sáng tác kêu gọi người Việt Nam đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ thiêng liêng của tổ quốc, và cũng là lần đầu tiên các ngã đường, thả bè trên những dòng sông, dẫn đầu những đoàn người võ trang gậy gộc, giáo mác ào ạt tiến công vào các dinh lũy của thực dân Pháp tại các tỉnh Nam kỳ. Ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh đã thấm máu đào các chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, mở đường cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 và giành chính quyền trong cả nước.

Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp đầu tiên năm 1946 đã nhất trí công nhận “Cờ đỏ sao vàng năm cánh” là Quốc kỳ và bài hát “Tiến quân ca” là Quốc ca của nước ta.

Lương Thị Hồng Đào
Bình luận
Back To Top