Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh

08:14 - Thứ Năm, 07/09/2017 Lượt xem: 6478 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Điện Biên nói riêng, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Đó chính là hiệu quả từ những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, là sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Bên cạnh đấy, đương nhiên không thể không kể đến quyết tâm nhập cuộc của ngành Y tế, trong đó có vai trò của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh...

Nhìn một cách tổng quát, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Điện Biên vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại và đang đứng trước khó khăn, thách thức mới đặt ra trong cuộc sống. Thực tế cho thấy tỉnh ta nằm trong nhóm các tỉnh có mức sinh cao, chất lượng dân số chậm được cải thiện, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn khá cao, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm với mức chậm; đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì cần được chú trọng nhiều hơn. Theo ý kiến của các chuyên gia, tựu trung có 3 nhóm nguyên nhân dẫn tới gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Đó là phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, quan niệm “nhất nam viết hữu...” ăn sâu trong tiềm thức của đa số cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ (nhất là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới...).

 

Một buổi truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, do cán bộ dân số của Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa thực hiện. 

Tại nhiều địa bàn dân cư vùng sâu, người dân không chỉ thích đẻ nhiều con mà còn mang nặng tập quán phải có con trai để nối dõi tông đường, hương khói phụng thờ tổ tiên sau này. Tình hình đó dẫn tới việc để sinh ít con mà vẫn có con trai như mong muốn, không ít cặp vợ chồng đã lạm dụng các dịch vụ y tế hiện đại để lựa chọn giới tính khi sinh, nói cụ thể ra là để sinh bằng được con trai đầu lòng cho... chắc ăn. Ngoài nguyên nhân trên, còn một nguyên nhân đó là do chế độ an sinh xã hội chưa thể đảm bảo, khi mà ước khoảng 70% dân số sống ở nông thôn không có lương hưu bảo hiểm những năm tuổi già cuối đời. Thông thường, trách nhiệm chu cấp, nuôi dưỡng bố mẹ đẻ khi song thân tuổi già bóng xế thuộc về các con trai; còn người con gái một khi đã đi lấy chồng thì sống phần xác thuộc về nhà chồng, chết phần hồn thuộc về “con ma” họ nội. Đó là lý do căn bản khiến các cặp vợ chồng muốn có mụn con trai, phòng xa cho tương lai của chính mình sau này.

Hậu quả của việc mất cân bằng giới tính là tình trạng phá thai cao, họ lựa chọn giới tính thì họ sẽ loại bỏ cái thai không có giới tính như mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là tình trạng phá thai không an toàn. Xa hơn nữa là tệ nạn buôn bán phụ nữ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, thiếu nữ dẫn đến việc phụ nữ phải kết hôn sớm, thậm chí dẫn đến việc hôn nhân cận huyết thống, sinh ra bạo lực đối với phụ nữ, nhất là lạm dụng tình dục với phụ nữ, thậm chí cả trẻ em gái... Như ở ấn Độ, các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính của tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em, phụ nữ là do thiếu hụt phụ nữ trong xã hội.

Để củng cố những hiểu biết của mình về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi có buổi làm việc với bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh. Theo bà Vũ Thị Thùy, với Điện Biên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng giống như các tỉnh khác trên địa bàn toàn quốc, đang có xu hướng gia tăng rất cao. Vì nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do phong tục tập quán, qua đánh giá, bắt đầu từ năm 2016 đến thời điểm này tình trạng mất cân bằng giới tính có vẻ như bắt đầu ổn định. Những năm trước, có năm rất cao, ví dụ giai đoạn 2013-2014, có những thời điểm lên tới 119 trẻ trai/100 trẻ gái; nhưng cũng có thời điểm chỉ từ 107 - 108 trẻ trai/100 trẻ gái. Qua theo dõi thấy mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu rơi vào trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, do liên quan trực tiếp đến tâm lý của người Việt Nam muốn có con trai, khi có hai con gái họ cố đẻ thêm con trai.

Thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho thấy: Năm 2015-2016, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu tập trung ở những vùng có điều kiện sống thuận lợi, như thành phố Điện Biên Phủ tỷ lệ rất cao, khoảng 117 - 118 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong 6 tháng đầu năm 2017, xu hướng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao lại rơi vào hai huyện Mường Nhé và Mường Chà; khi mà hai huyện này đang ở ngưỡng 120 - 125 trẻ trai/100 trẻ gái. “Nhưng cái lo lắng nhất của chúng tôi hiện nay là với địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, bởi người dân ở thành phố Điện Biên Phủ khi sinh con một bề (con gái) họ có điều kiện kinh tế để sinh thêm con trai; có điều kiện và phương tiện thuận lợi hỗ trợ để lựa chọn giới tính mà mình mong muốn. Mặt khác, với số đông các gia đình ở thành phố Điện Biên Phủ, việc phải có con trai cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ” - bà Vũ Thị Thùy nhận xét.

Với vai trò, chức năng của mình, ngày 21/9/2016 Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch số 2875, về thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra của kế hoạch là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, ở mức 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2020; sau năm 2025 phấn đấu đạt 107 trẻ trai/100 trẻ gái, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, từ đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đề án thực hiện từ năm 2016 đến năm 2025 tại 100% các xã, phường, thị trấn tại 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 tổ chức khảo sát, đánh giá đầu vào thực trạng về mất cân bằng giới tính khi sinh; triển khai toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông và vận động. Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông, vận động; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cả trực tiếp và gián tiếp...

Theo bà Vũ Thị Thùy, ở tầm vĩ mô, các giải pháp thực hiện đề án là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các cấp, các ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; huy động các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi các quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; huy động các nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch. Tầm vi mô, tức là tăng cường truyền thông đại chúng, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi. Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động truyền thông, trong đó đặc biệt chú trọng tới truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở cơ sở với cách tiếp cận và nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, của những người đứng đầu các dòng họ, những người cung cấp dịch vụ liên quan tới lựa chọn giới tính thai nhi và đặc biệt là các cặp cợ chồng, về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để có nhận thức, thái độ và hành vi phù hợp. 

Mất cân bằng giới tính khi sinh là một vấn đề thuộc phạm trù xã hội và đó là câu chuyện xem ra còn rất dài. Trong số hàng loạt các biện pháp nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng này, theo bà Vũ Thị Thùy, hiện nay tại một số tỉnh, thành phố họ chủ trương tôn vinh những gia đình sinh con một bề là con gái, gia đình có các con gái học giỏi hoặc thành đạt trong cuộc sống. Trên cơ sở những gương người thật có địa chỉ cụ thể ở ngay làng bản mình, cơ quan đơn vị mình... để tuyên truyền cho mọi người học tập, noi theo... 

Linh Giang
Bình luận
Back To Top