Sinh viên ra trường không có việc làm

Cách nào gỡ “khó”?

09:03 - Thứ Năm, 07/09/2017 Lượt xem: 6851 In bài viết
ĐBP - Giống như các tỉnh, thành khác trong cả nước, tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh ta đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, nhất là khi tình trạng này có xu hướng tăng lên. Nếu không có giải pháp hữu hiệu ngay từ việc định hướng, tư vấn ngành nghề đến “khâu” đào tạo thì khó mà gỡ khó cho “bài toán” chưa có lời giải này…

Khó vì nhiều lẽ

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc vào cuối tháng 8 vừa qua, những con số phản ánh tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm từ đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh cung cấp cho đoàn công tác khiến nhiều người trăn trở. Thống kê của Sở Nội vụ cho thấy, trong 5 năm qua (2012 - 2016) toàn tỉnh có tới 2.546/4.547 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm (chiếm gần 56%). Và điều đáng ngẫm ngợi là trong số hơn 46% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm, thì còn đến gần 1/4 số người may mắn ra trường có việc làm nhưng lại không đúng chuyên ngành đào tạo… Lý giải vấn đề này, ông Hoàng Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận: Do biên chế công chức, viên chức được giao hàng năm cơ bản không tăng trong các cơ quan, tổ chức hành chính và số viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị. Mặt khác hiện nay tỉnh đang thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo quy định đến năm 2021, toàn tỉnh phải tinh giản tối thiểu 10% số biên chế công chức, viên chức được giao. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc khó bố trí, sắp xếp việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

 

Học sinh Trường Dân tộc Nội trú tỉnh tìm hiểu cơ hội việc làm tại Ngày hội Việc làm lần thứ 2, năm 2017 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Phân tích thêm những khó khăn trong quá trình giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng khi ra trường, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin: Không chỉ đơn thuần là việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ, Điện Biên còn những cái khó đặc thù so với các địa phương khác, đó chính là trong khi toàn quốc trung bình cứ 114 người thì có 1 doanh nghiệp, ở tỉnh ta bình quân tới 521 người mới có 1 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu dân thấp nên vị trí việc làm thấp kéo theo cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường càng thấp. Chưa kể đến quy mô của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh ta là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp “siêu” nhỏ; lại chưa có khu công nghiệp, cụm chế xuất để thu hút nguồn nhân lực. Điều đó khiến việc giải quyết, bố trí việc làm cho học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng sau khi ra trường càng khó khăn hơn. Cùng với những khó khăn đó chính là thực trạng trong số khoảng 5.000 học sinh tốt nghiệp THPT trên địa bàn mỗi năm có tới 2.500 học sinh học từ trung cấp tới đại học. Như vậy, bình quân mỗi năm toàn tỉnh sẽ có hơn 2.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường cần việc làm trong và ngoài tỉnh. Nguồn nhân lực dồi dào này vừa làm tiềm năng nhưng cũng lại là áp lực đối với chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành chức năng trong vấn đề giải quyết việc làm.

Tâm lý thích làm “thầy”

Theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tâm lý chuộng bằng cấp đang còn tồn tại khá phổ biến ở các bậc phục huynh và học sinh. Vì vậy, mới có chuyện bằng mọi giá phải vào đại học, cao đẳng. Chẳng may nếu trượt đại học, cao đẳng thì đợi sang năm thi tiếp hoặc mới tính đến phương án đi trung cấp, học nghề. Cũng vì tư tưởng này mà lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng càng nhiều, việc làm lại ít nên phải cạnh tranh rất cao. Trong khi thị trường lao động khá rộng cửa, cần người có tay nghề kỹ thuật nhiều hơn cần người có bằng cấp thì lại chưa được quan tâm. Vì thế vấn đề học nghề gì để sau này có việc làm cần được quan tâm và định hướng, tư vấn sâu rộng hơn. Năm 2016, Công ty Sam sung Việt Nam có trụ sở làm việc tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã tuyển sinh 36 học sinh của Trường THPT Tuần Giáo đi làm việc theo hướng đào tạo - tuyển dụng với thu nhập khá ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng là hướng đi hiệu quả và cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho chính mỗi bậc phụ huynh, học sinh về vấn đề học để có việc làm, có thu nhập chứ không chỉ giải quyết “khâu” bằng cấp. Mặt khác, khá nhiều học sinh do thiếu sự hướng nghiệp, thiếu định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với trình độ, khả năng và nguyện vọng nên sau tốt nghiệp THPT đăng ký dự tuyển, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong khi trình độ bản thân chưa đáp ứng yêu cầu nên dễ bỏ dở giữa chừng hoặc ra trường không tìm được việc làm. Và một thực tế đáng lưu tâm nữa là, qua khảo sát có tới hơn 84% học sinh các cấp hiện nay trên địa bàn tỉnh là con em đồng bào dân tộc thiểu số có tư tưởng ở gần nhà, không muốn xa quê hương nên không tìm kiếm việc làm ở thị trường lao động các tỉnh, thành phố lớn trong nước, thị trường lao động ngoài nước. Chính tâm lý này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương thông qua con đường xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoại tỉnh gặp khó khăn. Nhiều năm qua, không ít các đơn vị tư vấn, tuyển lao động đi làm việc trong và ngoài nước dù đã rất nỗ lực tuyển sinh, nhưng số người đi làm việc vẫn vô cùng “khiêm tốn”.

Cách nào gỡ khó?

Thực tế cho thấy, tình trạng sinh viên sau tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm đang chiếm tỷ lệ khá cao, số lượng khá lớn; điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người học (việc chọn ngành, chọn trường, tìm kiếm “đầu ra” sau khi tốt nghiệp của sinh viên); tâm lý lo lắng của phụ huynh về việc đào tạo tốn kém tiền của, công sức mà không được bố trí việc làm. Chính vì vậy, vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đó chính là làm tốt công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Do thời gian qua quy hoạch nguồn nhân lực chưa sát thực tế dẫn đến một số chuyên ngành đào tạo số lượng lớn trong thời gian dài dẫn đến dư thừa nguồn lực. Đó cũng là hệ lụy khiến các chuyên ngành sư phạm của Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh trong vài năm trở lại đây không tuyển sinh đủ chỉ tiêu đào tạo. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động chưa chú trọng công tác định hướng và dự báo nhu cầu nhân lực cần sử dụng; chưa gắn kết với nhu cầu về nguồn nhân lực với tổ chức đào tạo theo nhu cầu, dẫn đến công tác quản lý lao động và việc làm gặp khó khăn…

Chính vì vậy, cùng với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người học và xã hội về định hướng lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường lao động, các sở, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác định hướng phân luồng, giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô, cơ cấu nhân lực cần sử dụng của thị trường lao động. Xây dựng cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng, đại học hàng năm trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo và tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm của cơ sở đào tạo. Về phía các cơ sở đào tạo cần tổ chức rà soát, điều chỉnh quy mô, ngành nghề đào tạo, xây dựng kế hoạc tuyển sinh, đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của tỉnh. Tăng cường điều tra, khảo sát, dự báo và đẩy mạnh công tác kế hoạch, thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực sát thực tế, theo từng giai đoạn, ngành nghề, trình độ đào tạo. Cung cấp thông tin về thị trường lao động theo địa phương, vùng, ngành kết nối với thông tin thị trường lao động quốc gia. Nhất là cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa Nhà nước - doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học với nhu cầu sử dụng, đặt hàng đào tạo cung ứng cho người sử dụng lao động.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top