Sáp nhập tổ dân phố trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý

08:25 - Thứ Hai, 11/09/2017 Lượt xem: 7260 In bài viết
ĐBP - Sáp nhập tổ dân phố (TDP) nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển là việc làm cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, TP. Điện Biên Phủ đã trình UBND tỉnh xin ý kiến về chủ trương sáp nhập các TDP trên địa bàn.

 

Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố 14, phường Thanh Bình Trần Quang Thọ (bên trái) tuyên truyền nhân dân đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

TP. Điện Biên Phủ hiện có 164 TDP, bản thuộc 9 đơn vị hành chính (7 phường, 2 xã); trong đó có 137 TDP. Trong số đó, nhiều TDP có quy mô quá nhỏ khiến bộ máy quản lý dân cư, cán bộ không chuyên trách cồng kềnh, hiệu quả hoạt động thấp; bình quân mỗi TDP bố trí từ 10 - 12 cán bộ bán chuyên trách. Qua rà soát cho thấy, trên địa bàn thành phố có 101 TDP đảm bảo theo tiêu chí về quy mô TDP có từ 70 hộ trở lên; 36 TDP không đảm bảo theo tiêu chí quy mô hộ gia đình. Trong đó, TDP có số hộ cao nhất là TDP 23 (phường Him Lam) với 173 hộ; TDP có số hộ thấp nhất là TDP 3 (phường Noong Bua) là 40 hộ. Như vậy cho thấy, đối với TDP có quy mô quá nhỏ, mức chi trả ngân sách hàng năm rất tốn kém. Cũng do một số TDP có quy mô quá nhỏ nên chất lượng phong trào của các khu dân cư hạn chế, không đạt chất lượng. Từ thực tế đó cho thấy, yêu cầu đặt ra đối với việc sáp nhập các TDP là rất cần thiết. Vì việc sáp nhập sẽ giảm số lượng TDP nhằm tinh gọn bộ máy quản lý dân cư, giảm số cán bộ bán chuyên trách, tiết kiệm ngân sách chi hàng năm; đồng thời, thuận tiện trong việc tuyên truyền, triển khai, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề quan trọng của địa phương, nâng cao hiệu lực, quản lý của chính quyền phường, hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hơn nữa, việc thực hiện sáp nhập này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Thông tư số 04 ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ, đó là đối với TDP (ở vùng miền núi) có quy mô từ 150 hộ gia đình trở lên, phù hợp với xu thế phát triển và các vấn đề an sinh xã hội tại TDP. Và việc sáp nhập TDP sẽ tăng số lượng đảng viên và nguồn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn bố trí vào các chức danh không chuyên trách ở TDP; nâng cao chất lượng phong trào thi đua lao động sản xuất, vệ sinh môi trường, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn lực, các khoản đóng góp để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động của TDP.

Ông Đỗ Thành Công, Trưởng phòng Nội vụ TP. Điện Biên Phủ cho biết: Thực hiện theo quy định sắp xếp, sáp nhập các TDP của Bội Nội vụ, TP. Điện Biên Phủ đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức khảo sát các điều kiện cụ thể để sáp nhập TDP trên địa bàn. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về chủ trương sáp nhập TDP, khảo sát các vấn đề về địa hình, diện tích, dân số; điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của TDP sau khi sáp nhập... Với mục tiêu sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, thành phố chỉ sáp nhập các TDP quá nhỏ không đảm bảo tiêu chí theo quy định; sáp nhập các TDP có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả chứ không sáp nhập các TDP có quy mô hộ gia đình ở TDP quá lớn gây khó khăn trong quá trình quản lý, không đảm bảo sức chứa của nhà văn hóa trong quá trình hội họp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự; tránh trường hợp vừa sáp nhập lại đề nghị chia tách. Thành phố cũng không sáp nhập các TDP có diện tích quá lớn, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn. Vì hiện nay những người được bầu giữ chức danh tổ trưởng, bí thư chi bộ... hầu hết là cán bộ hưu trí, cao tuổi; địa bàn quản lý quá rộng sẽ khó khăn trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách tại địa phương và quá trình đi lại, hội họp của người dân. Và cũng không sáp nhập các TDP có nhiều dự án quy hoạch, giải tỏa dân cư không ổn định... Với phương án sáp nhập như trên, thành phố sẽ có 102 TDP đủ điều kiện sáp nhập thành 55 TDP mới; sau khi sáp nhập, TP. Điện Biên Phủ sẽ gọn lại còn 90 TDP và vẫn giữ nguyên 27 bản. Toàn TP sẽ chỉ còn 117 TDP, bản (giảm 47 TDP).

Thực tế cho thấy, việc sáp nhập TDP ban đầu cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân, dẫn đến nhiều xáo trộn trong hệ thống chính quyền, an ninh cấp cơ sở; phải điều chỉnh các thủ tục, giấy tờ liên quan đến từng khẩu, từng hộ gia đình. Hệ thống cán bộ không chuyên trách ở cơ sở như: tổ trưởng, bí thư chi bộ, tổ chức đoàn thể, xã hội, lực lượng bảo vệ dân phố... cũng phải sắp xếp lại. Do đó quy trình, hồ sơ sáp nhập TDP trên địa bàn được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định hướng dẫn của Bộ Nội vụ. TP. Điện Biên Phủ đã trình UBND tỉnh về đề nghị sáp nhập các TDP trên địa bàn. Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, thành phố sẽ thực hiện các bước tiếp theo: như chỉ đạo các phường xây dựng đề án sáp nhập TDP; UBND phường tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập TDP mới...

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top