Bao giờ người trồng rừng 327, 661 hết thiệt thòi?

09:29 - Thứ Năm, 14/09/2017 Lượt xem: 16306 In bài viết
ĐBP - Sau hơn hai thập kỷ (từ năm 1993) tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo Chương trình 327 và Dự án 661 của Nhà nước, lẽ ra bây giờ người trồng rừng phải được hưởng thành quả. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra không như mong đợi, người trồng rừng chưa được hưởng lợi gì, ngay cả tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thậm chí, rừng đến thời gian thu hoạch cũng không được khai thác; nhiều hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Chương trình trồng rừng 327 là chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc được thực hiện từ năm 1993 - 1998 và Dự án 661 là trồng mới 5 triệu héc ta rừng, được kế thừa từ chương trình 327. Cả 2 dự án này đều chung mục tiêu là nhằm nâng cao diện tích và độ che phủ rừng, thứ đến tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn được hưởng lợi từ rừng. Sau nhiều năm triển khai, sự thay đổi dễ dàng nhận ra với sự xuất hiện của nhiều cánh rừng xanh ngút ngàn.

 

Gia đình ông Lường Văn Ngọc tích cực chăm sóc cánh rừng với hy vọng sớm được khai thác.

Huyện Tuần Giáo có hơn 150ha rừng trồng theo Chương trình 327, 661 với 130 hộ tham gia trồng rừng. Ði dọc quốc lộ 6, đoạn từ xã Chiềng Sinh đến trung tâm huyện Tuần Giáo chúng ta dễ dàng quan sát những tán rừng xanh mướt. Ông Lường Văn Ngọc, bản Ðông, thị trấn Tuần Giáo là một trong những hộ đầu tiên tham gia Chương trình 327 và 661, hiện đang sở hữu 39ha rừng. Chúng tôi men theo con đường mòn khoảng 20 phút đi bộ đến cánh rừng của gia đình ông. Dưới tán rừng là bầu không khí mát rượi, những cây thông, cây mỡ có đường kính từ 30 - 40cm thẳng tắp, tiếng chim hót líu lo trong nắng. Ông Lường Văn Ngọc tâm sự: “Năm 2001, khi có chủ trương của UBND tỉnh về tham gia trồng, bảo vệ rừng theo Chương trình 327, 661, gia đình tôi đăng ký tham gia đầu tiên. Những năm đầu, cả nhà hầu như ngày nào cũng ăn, ngủ trên đồi để thuê người trồng, chăm sóc và bảo vệ. Thấm thoắt đã 16 năm trồng, bảo vệ rừng, cánh rừng ngày càng xanh tốt nhưng chúng tôi vẫn chưa được hưởng thành quả!”. Giọng ông Ngọc trở nên nghẹn lại khi cho biết đến nay gia đình ông vẫn chưa được hưởng lợi từ trồng rừng, mà thậm chí còn mất thêm kinh phí để thuê người chăm sóc và bảo vệ rừng, bởi theo khế ước nếu làm mất rừng gia đình ông phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, không chỉ gia đình ông Ngọc mà nhiều hộ trồng rừng đã kiến nghị lên cơ quan chức năng. Song câu trả lời họ nhận được lại rất vô tình: Do hồ sơ để quyết toán dự án đến nay đã thất lạc hết nên không thể quyết toán, vì vậy chưa được phép khai thác. Việc chưa thể khai thác đã ảnh hưởng đến chất lượng rừng, bởi cây keo, cây mỡ chỉ có thời gian sinh trưởng nhất định, nếu để quá lâu gỗ sẽ mất chất lượng. Không chỉ vậy, theo tính toán sơ bộ của ông Ngọc, hiện nay để cho rừng keo, mỡ phát triển tốt, mỗi năm gia đình ông phải phát dọn cây phân tán, thực bì khoảng 3 lần, mỗi lần thuê ít nhất 10 người phát dọn trong vòng 10 ngày với mức tiền công là 150 nghìn đồng/người/ngày công. Như vậy, 39ha của gia đình ông Ngọc tính ra mỗi lần phát dọn thực bì, cây phân tán hết khoảng 15 triệu đồng và mỗi năm hết khoảng 45 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, bảo vệ trong những năm đầu. Nếu như trước đây, khi các loại cây thông, mỡ, keo chưa lớn còn có thể canh tác xen ghép một số loại cây nông nghiệp, từ khi rừng khép tán thì không trồng gì được.

Không được khai thác, nhưng tiền dịch vụ môi trường rừng các hộ dân tham gia Chương trình 327, 661 cũng chưa được nhận. Theo lý giải của một lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, công tác giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực sông Mã trên địa bàn huyện Tuần Giáo từ năm 2013 đến nay chưa được thực hiện. Do đơn giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực sông Mã quá thấp: năm 2013 là 6.024 đồng/ha; năm 2014 là 5.684 đồng/ha; năm 2015 là 6.594 đồng/ha nên đơn vị chưa thể chi trả cho người dân được, bởi mỗi lần tổ chức chi trả thì kinh phí đi lại rất tốn kém, có những chủ rừng được giao bảo vệ 1ha rừng thì 1 năm chỉ nhận được từ 5 - 6 nghìn đồng, trong khi đó từ nhà ra đến trung tâm xã để nhận tiền mất nửa ngày, tiền xăng xe máy còn tốn hơn nhiều nên nhiều chủ rừng không muốn đi nhận tiền.

 

Người dân xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo phát dọn thực bì, bảo vệ rừng.

Không những không được hưởng lợi từ rừng mà đến nay các hộ dân tham gia trồng rừng theo Chương trình 327, 661 trên địa bàn huyện Tuần Giáo cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do liên quan đến khế ước nhận giao khoán và bảo vệ rừng từ Lâm trường Tuần Giáo cũ (nay là Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo). Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 150ha đất lâm nghiệp có rừng (diện tích rừng Chương trình 327 và Dự án 661), đến nay vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Kế hoạch 388 của UBND tỉnh. Ông Hoàng Phó Tâm, bản Huổi Hạ, thị trấn Tuần Giáo, cho biết: “Năm 2002 gia đình tôi đã nhận quản lý và bảo vệ gần 27ha rừng từ Lâm trường Tuần Giáo cũ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giờ muốn có sổ đỏ đi vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế cũng không được. Chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành sớm hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con yên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng; đồng thời cũng là cơ sở để bà con được vay vốn phát triển kinh tế trong khi chờ đợi diện tích rừng trồng được khai thác”.

Theo ông Lò Văn Quân, Phó phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Tuần Giáo, thì: Cuối năm 2016, UBND huyện đã tổ chức họp bàn giải pháp thống nhất phương án tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích này. Theo đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo ban hành thông báo hết hiệu lực đối với các khế ước của các hộ dân, cá nhân đã nhận giao khoán quản lý và bảo vệ rừng với Lâm trường Tuần Giáo cũ. Việc giao đất, giao rừng ưu tiên các hộ dân, cá nhân đã có công chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng được Quốc hội phê chuẩn bằng Nghị quyết số 08/1997/QH10, và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện bằng Quyết định số 661/QÐ-TTg ngày 29/7/1998 (gọi tắt là Dự án 661). Theo quy định, sau 7 năm số rừng cây keo, mỡ trồng mới sẽ được phép khai thác, 10 năm những hộ trồng rừng sẽ được quyết toán và hưởng 50% lợi tức từ những diện tích cải tạo rừng nghèo, đất trống, đồi núi trọc. Vậy nhưng đã hơn gấp đôi thời gian 7 năm, rừng keo, mỡ của nhà ông Ngọc, ông Tâm và những hộ dân khác nhận rừng từ Lâm trường Tuần Giáo năm nào vẫn mắc kẹt, không thể khai thác để sử dụng thành quả đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức đằng đẵng bao năm qua!

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top