Hô Huổi Luông mới sau di dân, định canh định cư

10:00 - Thứ Năm, 14/09/2017 Lượt xem: 8389 In bài viết
ĐBP - Ðã gần 5 năm kể từ ngày người dân bản Hô Huổi Luông, xã Lay Nưa, TX. Mường Lay dựng xây cuộc sống ở vùng đất mới theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ việc ở rải rác, cách xa nhau, thiếu đói quanh năm, con cái không đến trường đầy đủ, giờ đây người dân Hô Huổi Luông đã ổn định cuộc sống, quan tâm đến công tác giáo dục, tìm được hướng thoát nghèo, phát triển kinh tế.

 

Một góc bản Hô Huổi Luông.

Nhớ lại thời điểm trước năm 2013, già làng Giàng Dũng Hầu, nguyên Trưởng bản Hô Huổi Luông lắc đầu nói với chúng tôi: “Nghèo lắm! Vất vả, khó khăn lắm! Hô Huổi Luông từng chỉ có 10 hộ, mà mỗi hộ cách nhau tính bằng vạt rừng, quả đồi; đi lại thì khó khăn, gian khổ. Các gia đình chỉ trồng ngô, lúa nương, không đủ phục vụ nhu cầu gia đình, vì vậy mà thiếu ăn liên tục”. Khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu được ý nghĩa, lợi ích của chính sách này, ông Hầu đã tiên phong cùng cán bộ địa phương tìm đến từng nhà, vận động bà con cùng chuyển về định cư tại trung tâm bản. Do hiểu biết của người dân còn hạn chế, nên việc vận động về sống tập trung là vô cùng khó khăn, có những nhà ở cách mấy quả đồi, ông và các cán bộ phải kiên trì đi lại nhiều lần thuyết phục. Ðến năm 2013, bà con trong bản đã đồng thuận chuyển về khu tái định cư mới, là khu đồi được san ủi bằng phằng rộng 4ha. Cùng với 10 hộ dân bản Hô Huổi Luông cũ còn có hơn 30 hộ nhóm dân cư khác chuyển vào sinh sống. Ngoài hỗ trợ tiền di chuyển, dựng nhà tại nơi ở mới, dự án còn đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ, bao gồm: hệ thống mương và cống thoát nước, đường nước sinh hoạt, điểm trường, nhà sinh hoạt cộng đồng; đường vào bản được làm theo tiêu chuẩn đường nông thôn B có tổng chiều dài 8,5km... Ðược hưởng lợi chương trình, đời sống người dân có nhiều thay đổi tích cực, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường được đi học và đi học chuyên cần, 100% hộ dân có nước sinh hoạt đảm bảo. Từ đó, nhận thức người dân cũng dần nâng lên, các hủ tục dần bị loại bỏ, việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại cơ sở y tế được quan tâm hơn...

Sau gần 5 năm, đến nay, Hô Huổi Luông đã tăng số hộ lên 57 với hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cùng Trưởng bản Giàng A Chía đi thăm một số hộ trong bản, chúng tôi nhận thấy, người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có ý chí thoát nghèo và đã dần xác định được hướng đi trong phát triển kinh tế. Tuy nương ngô, nương lúa vẫn chiếm phần lớn nhưng nhiều hộ dân đã chủ động khai hoang ruộng nước. Cả bản hiện có hơn 4,4ha lúa nước 1 vụ. Các hộ cũng đã biết tranh thủ các chương trình hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, máy móc, công cụ sản xuất và ưu đãi vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Sau thi tham quan 1 vòng bản, anh Chía cho biết: Bản Hô Huổi Luông có gần 20 hộ dân vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền từ 20 - 30 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Một số hộ chuyển một phần đất trồng ngô sang trồng chuối và cây ăn quả, bước đầu mở ra hướng phát triển mới. Ngoài ra, với lợi thế về bãi chăn thả đại gia súc, từ năm 2013, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn trâu, bò, dê. Hiện tổng đàn trâu, bò của bản là hơn 120 con, đàn dê gần 200 con. Chăn nuôi gia súc theo hướng thương phẩm tại Hô Huổi Luông đã bắt đầu hình thành thay cho việc chăn nuôi lấy sức kéo như trước kia. Gia đình anh Hờ Nở Chu là một trong những hộ có đàn gia súc số lượng lớn trong bản, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 15 con trâu, bò và mới nuôi thử một vài con dê. Hiện tại, tôi chăm sóc số gia súc này để nhân đàn. Ðây là tài sản lớn nhất của gia đình tôi, khi nào có việc quan trọng cần dùng đến tiền hay mua sắm sửa sang nhà cửa thì mới bán”. Dù những mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở Hô Huổi Luông mới ở giai đoạn thử nghiệm với một số hộ tiên phong, nhưng qua đó thấy được sự thay đổi tích cực, quan trọng về nhận thức, cách làm của người dân nơi vùng cao này. Chắc chắn rằng, khi những mô hình mới có kết quả, đem lại giá trị kinh tế cao, bà con sẽ chủ động, tự học hỏi để nhân rộng.

Cùng với chăn nuôi, trồng trọt, người dân bản Hô Huổi Luông đã biết trân trọng, gắn bó với rừng để hưởng lợi từ rừng. Cộng đồng bản tham gia bảo vệ hơn 920ha rừng, mỗi năm được chi trả trên 200 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này đã và đang giúp nhiều gia đình mua nông cụ, cây, con giống, có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện tại, Hô Huổi Luông vẫn chưa có điện lưới quốc gia nhưng tháng 7 vừa rồi, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống lưới điện sinh hoạt cho bản với chiều dài 8km, cấp điện cho tất cả hộ dân và điểm trường học. Tin rằng sau khi dự án hoàn thành, điện kéo về từng nhà, diện mạo Hô Huổi Luông chắc chắn sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa, thêm ấm no và giàu sức sống.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top