Gian nan công tác cai nghiện ma túy ở Nậm Pồ

10:05 - Thứ Năm, 14/09/2017 Lượt xem: 7741 In bài viết
ĐBP - Nhiều năm trở lại đây, ma túy vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân ở huyện vùng cao Nậm Pồ, bởi nó không chỉ hủy hoại cuộc sống, gia đình có người nghiện mà còn kéo theo những hệ lụy nặng nề do tù tội, đói nghèo và lạc hậu. Mặc dù, đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhưng công tác cai nghiện ma túy ở Nậm Pồ vẫn còn lắm gian nan.

 

Lực lượng chức năng huyện Nậm Pồ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy, đảm bảo ANTT tại các xã biên giới.

Do siêu lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy, nên hoạt động tội phạm và các tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Nậm Pồ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Ðặc biệt, do thiếu hiểu biết về pháp luật và “sức hút” của đồng tiền nên một số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rơi vào vòng xoáy của “cái chết trắng”. Ðáng buồn nữa là, phần lớn người nghiện ma túy đều ở độ tuổi lao động và cũng không chỉ có nam giới mà nhiều phụ nữ dân tộc cũng mắc nghiện. Kết hôn sớm, nhiều cặp bố mẹ mắc phải con đường nghiện hút ma túy, nên không ít đứa trẻ thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ... Hiện nay trên địa bàn Nậm Pồ tình trạng nghiện ma túy đã len lỏi tới 72 bản của 14/15 xã, với tổng số 534 người nghiện; chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, như: Nà Bủng, Na Cô Sa, Vàng Ðán, Nà Hỳ... đây là những xã biên giới có nhiều đường mòn qua biên giới Việt  - Lào dẫn tới tình hình thẩm lậu ma túy vào nội địa khá dễ dàng. Ðó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Nậm Pồ đã có nhiều giải pháp cứng rắn, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy cũng như giảm thiểu các đối tượng nghiện ma túy và công tác quản lý sau cai... Nhưng các đối tượng nghiện vẫn “chứng nào, tật nấy” sau những ngày cắt cơn tại cơ sở cai nghiện bắt buộc hay cộng đồng lại bén hơi nhanh chóng với “làn khói trắng”. Theo ghi nhận, khoảng 90% người nghiện đã tái nghiện sau cai. Nguyên nhân chính là do người nghiện không đủ bản lĩnh để từ bỏ cám dỗ, đây thật sự là một “cuộc chiến” dai dẳng vì môi trường xung quanh họ chưa “sạch” ma túy. Mặt khác, người nghiện vẫn bị xã hội kỳ thị, họ không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của những người xung quanh, không có việc làm, thu nhập ổn định... Bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ, cho rằng: “Ðể giải được bài toán người nghiện và quản lý sau cai đối với huyện Nậm Pồ không phải một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải có giải pháp mang tính đồng bộ, có chiều sâu”. Hiện nay, huyện có 3 hình thức cai nghiện đang được áp dụng, đó là: Cai nghiện tập trung, cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tại gia đình, song chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Lý giải về nguyên nhân, bà Hằng cho biết: Ðối với 2 hình thức cai nghiện tại cộng đồng và gia đình thì dường như không phát huy tác dụng, bởi thiếu thuốc, thiếu cơ sở y tế, cán bộ y tế có chuyên môn và nhất là thiếu sự nhiệt tâm của các tổ chức trong xã hội; sự cả nể, thương con, giấu giếm, mặc cảm xã hội trong mỗi gia đình. Nậm Pồ hiện chưa có cơ sở uống methadone nên việc điều trị thay thế với bệnh nhân nghiện ma túy rất khó khăn. Với hình thức cai nghiện tập trung thì cơ bản đã giúp người nghiện cai bằng các hình thức như cắt cơn, giải độc, kết hợp lao động có thu nhập nhưng mới chỉ cai được trong môi trường tập trung còn khi trả về gia đình, xã hội, thiếu sự giám sát của các lực lượng chức năng, sự buông lỏng của gia đình và sự thiếu ý chí của người nghiện thì hầu hết lại tái nghiện. Bên cạnh đó, do là huyện mới thành lập, doanh nghiệp còn hạn chế nên việc tiếp nhận người nghiện sau cai vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn rất thấp, vẫn còn sự kỳ thị của chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, của cộng đồng với người sau cai nghiện. Ðội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng còn thiếu và yếu về chuyên môn, hầu như chưa được tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là những kỹ năng như: Tư vấn dự phòng tái nghiện, kỹ năng kết nối chuyển gửi người sau cai tới các dịch vụ y tế, xã hội... vì vậy, tỷ lệ tái hòa nhập cộng đồng thành công chưa cao.

Có thể thấy rằng, để công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai hiệu quả, trước nhất cộng đồng và xã hội phải có một cách nhìn nhận khách quan, bao dung đối với người nghiện, tạo cho họ niềm tin vào cuộc sống, giúp họ có việc làm, thu nhập ổn định... để mỗi người nghiện sau cai nghiện được tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top