Sớm giải quyết những tồn tại trong thực hiện Kế hoạch 388

08:37 - Thứ Sáu, 15/09/2017 Lượt xem: 7398 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) của tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, giao đất, giao rừng theo kế hoạch. Đến nay, công tác giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cơ bản hoàn thành, tạo bước chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống người dân.

Tỉnh ta có gần 330.770ha đất lâm nghiệp có rừng và gần 445.900ha đất lâm nghiệp chưa có rừng; rừng ngoài quy hoạch gần 36.700ha. Do đó, công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ dân, cộng đồng dân cư là cần thiết nhằm xác định rõ ranh giới đất sản xuất và đất rừng, đồng thời được hưởng lợi từ diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

 

Được giao rừng theo Kế hoạch 388/KH-UBND, bản Háng Cu Tâu, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) làm tốt công tác bảo vệ rừng, hưởng lợi từ rừng.

Mặc dù quá trình thực hiện Kế hoạch số 388 của UBND tỉnh gặp phải một số khó khăn như: Tranh chấp về địa giới hành chính giữa các xã và tranh chấp về diện tích rừng giữa một số bản; một số xã mới chia tách, thành lập; tình trạng di dân tự do… Song với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các sở, ban, ngành thuộc Ban Chỉ đạo của tỉnh, đến nay, cơ bản hoàn thành việc rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng cho các tổ chức, cá nhân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Toàn tỉnh đã thực hiện giao 324.010,05ha đất lâm nghiệp có rừng. Trong đó: Giao cho 6 tổ chức với tổng diện tích 61.673,67ha; giao cho 3.372 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 8.610,39ha; giao cho 1.135 cộng đồng thôn, bản với 262.249,45ha. Đến nay, 2.939/3.372 hộ, cá nhân và 99% cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do tranh chấp về địa giới hành chính giữa các xã và tranh chấp về diện tích rừng giữa một số bản, nên hiện nay sau khi giao đất giao rừng, giữa các bản có sự chênh lệch về tiền dịch vụ môi trường rừng dẫn đến thường xảy ra tranh chấp, khiếu nại, kiến nghị chia lại rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguyên nhân được xác định là có những cộng đồng bảo vệ diện tích rừng từ lâu đời nhưng quá trình chia tách địa giới hành chính thì diện tích rừng lại thuộc về xã khác. Đây là vấn đề tồn tại của Kế hoạch 388 mà hiện nay các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực tìm phương án để giải quyết. Theo ông Hà Công Nghiệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ, thì hiện nay huyện Nậm Pồ có 8 điểm tranh chấp đất rừng sau khi chia tách địa giới hành chính và tranh chấp sau khi thực hiện giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 388. Về bản chất, đây là tồn tại mang tính khách quan. Bởi vì rừng giao cho cộng đồng dân cư thôn, bản phải nằm trong phạm vi của cấp xã (được quy định tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP). Do đó, khi thực hiện giao rừng phải giao theo đúng địa giới hành chính. Hiện nay, huyện Nậm Pồ đang tích cực tuyên truyền, vận động để các thôn, bản vùng tranh chấp hiểu đúng các quy định của Nhà nước, từ đó, cộng đồng trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top