Cuộc “đàm phán” trên đỉnh Con Don

09:21 - Thứ Năm, 05/10/2017 Lượt xem: 8735 In bài viết
ĐBP - Còn nhớ một ngày đầu tháng 3 lạnh giá; chúng tôi có mặt tại bản Chan 3, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) chứng kiến một cuộc “đàm phán” bằng tiếng Mông, giữa người dân bản Chan 3 với người dân bản Hua Sát, xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo). Dẫn đầu đoàn công tác của huyện Mường Ảng là đồng chí Trương Quang Hải, Bí thư Huyện ủy và đoàn Tuần Giáo là đồng chí Giàng Trùng Lầu, Bí thư Huyện ủy. Cuộc gặp trên đỉnh Con Don để giải quyết tranh chấp đất sản xuất kéo dài hơn 20 năm qua...

Trên đỉnh núi với tên gọi “Con Don”, trong màn sương mù lạnh giá thấp thoáng hàng trăm người đứng thành 2 nhóm riêng biệt, cách nhau độ hai chục bước chân. Một bên là người dân bản Chan 3 còn bên kia là dân bản Hua Sát. Những người dân có mặt tại đây toàn là đàn ông, trong đó chủ yếu là thanh niên và một số người cao tuổi. Ðoàn công tác của 2 huyện đứng ở giữa, sau đó người dân 2 bên hòa vào nhau đứng thành hình vòng cung hướng về phía ranh giới đang tranh chấp. Trước mặt chúng tôi là những khe núi, ngọn núi, dông đồi có tên gọi Ðá Ðen, Con Don, Sống Khèn... mà mọi người đang nói đến. Ðó là những “điểm đặc trưng” mà hai bên đang thương lượng, đàm phán để phân chia địa giới.

 

Ðồng chí Trương Quang Hải (thứ 2 từ phải sang), Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cùng đoàn công tác lắng nghe ý kiến của người dân tại thực địa giải quyết tranh chấp.

Ngôn ngữ buộc phải dùng trong cuộc “thương thảo” này là bằng tiếng Mông, vì vậy ông Giàng Trùng Lầu kiêm vai trò người phiên dịch. Vị đại diện bản Hua Sát cho rằng: Theo lý của người Mông, nếu chúng tôi mời các anh đến đây sinh sống thì chúng tôi sẽ chia đất sản xuất cho các anh một nửa. Nhưng vì các anh tự đến nên chúng tôi chia cho bằng nào thì được bằng đấy, không có quyền đòi hỏi... Ông Giàng Trùng Lầu dịch lại nội dung ra tiếng phổ thông cho đoàn công tác nghe, rồi sau đó lại chuyển sang nói tiếng Mông, với nội dung: Người dân bản mình hiểu như thế là chưa đúng rồi! Theo quy định của pháp luật thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý nên phân chia như thế nào, giao cho xã nào, bản nào phải được sự đồng ý của chính quyền, chứ dân bản không có quyền tự chia...

Sau gần 4 giờ cuộc thương thảo vẫn chưa ngã ngũ. Bởi đây không phải là lần đầu tiên diễn ra cuộc làm việc như thế này nên cán bộ văn phòng 2 huyện đã chuẩn bị một ít bánh kẹo, lương khô và nước uống để mọi người ăn tạm. Vừa đói, vừa lạnh, tiếng điếu cày của ai đó ở bãi cỏ cạnh sườn núi đã thu hút cả chục người kéo đến... Ông Phạm Văn Triệu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng cầm trên tay một tập bản đồ, tài liệu chia sẻ rằng: Ðã rất nhiều lần ông tham gia các buổi làm việc như thế này. Vì là lãnh đạo phòng chuyên môn liên quan trực tiếp nên ông phải đứng ra giải thích, rồi chỉ mốc giới, đưa ra căn cứ pháp lý... chính vì thế mà bị nhiều người dân có “ác cảm”.

Ðược biết, vấn đề tranh chấp đất sản xuất ở đây đã xảy ra từ năm 1994 (hồi chưa chia tách, thành lập huyện Mường Ảng), giữa xã Nà Sáy và xã Mường Ðăng (đều thuộc huyện Tuần Giáo). Ðến năm 1997 mâu thuẫn đã được giải quyết sau khi xã Nà Sáy đồng ý giao 600ha đất lâm nghiệp cho bản Hua Sát và bản Chan 3 quản lý, người dân ổn định sản xuất đan xen được 10 năm. Ðến năm 2008, sau khi huyện Mường Ảng được chia tách thì lại tái diễn cảnh tranh chấp. Nhưng lúc này việc tranh chấp đã được đẩy lên tầm cấp huyện (bản Hua Sát, xã Nà Sáy thuộc huyện Tuần Giáo; bản Chan 3, xã Mường Ðăng, huyện Mường Ảng). Nhiều lần chính quyền 2 huyện, 2 xã đứng ra giải quyết ngoài thực địa nhưng không đạt được sự thống nhất. Sự việc trở nên phức tạp hơn khi bản Hua Sát yêu cầu phải giải quyết theo đường ranh giới 364 (bản đồ hành chính giải quyết các vướng mắc tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã được phân chia theo Chỉ thị 364 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng). Có nghĩa là toàn bộ đất ở, đất canh tác của bản Chan 3, xã Mường Ðăng (nay thuộc xã Ngối Cáy) trả về cho xã Nà Sáy (nay là xã Mường Khong) để người dân bản Hua Sát sử dụng! Năm 2015, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn và đoàn công tác cũng đã trực tiếp lên hiện trường tranh chấp để giải quyết nhưng cũng chỉ đưa ra những giải pháp ổn định tạm thời, chưa thể giải quyết dứt điểm do mọi phương án đề xuất người dân bản Hua Sát đều không chấp nhận. Sau đó tỉnh đã giao cho 2 huyện phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền, vận động giải quyết.

Ông Lầu A Vàng, Trưởng ban Dân vận huyện Mường Ảng chia sẻ: Theo quan điểm chỉ đạo của Thường vụ Huyện ủy, sau nhiều lần “cắm bản” tuyên truyền, vận động, giải thích, có những lúc phải leo lên nương ngô, nương sắn để tìm gặp bà con, trò chuyện, trao đổi... Cuối cùng chúng tôi đã thuyết phục được người dân bản Chan 3 đồng ý với phương án mà 2 huyện đã thống nhất nhưng vấn đề vướng mắc lại ở phía người dân bản Hua Sát nên không thể giải quyết một cách cứng nhắc mà vẫn phải kiên trì vận động, thuyết phục...

Hơn 1 giờ chiều, sau khi lãnh đạo 2 huyện kiên trì thuyết phục, trao đổi với người dân 2 bản đã đưa ra được phương án thống nhất giải quyết. Một biên bản viết tay nhanh chóng được lập để người dân 2 bản cùng ký. Theo đó, các điểm xác định ranh giới cũng được cụ thể bằng tên gọi, mô tả vị trí cụ thể. Tuy nhiên để đi đến phương án này, huyện Mường Ảng sẽ phải bố trí gần 30ha đất sản xuất từ các bản lân cận cho các hộ dân của bản Chan 3 có phần đất phải bàn giao cho bản Hua Sát theo kết quả đàm phán. Mặt khác, phải đưa ra phương án hỗ trợ cho các hộ được giao đất mới mà không kịp để sản xuất theo thời vụ để người dân không lâm vào cảnh khó khăn...

Vậy là sau rất nhiều lần kiên trì gặp gỡ, bàn bạc giữa lãnh đạo và các cơ quan chức năng 2 huyện; với tinh thần trách nhiệm với những căn cứ khoa học và những lý lẽ thuyết phục của chính quyền 2 huyện, nhân dân 2 bản đã tự nguyện ký vào bản cam kết như một cách bày tỏ thiện chí của mình. Tục ngữ có câu: “Ðánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm”, tranh chấp thì tranh chấp thế nhưng suy cho cùng nhân dân 2 bản đều là người Mông, đều uống chung dòng nước chảy ra từ lòng núi Hua Sát, thở chung bầu không khí Hua Sát mà lớn khôn để biết tiếp thu điều hay lẽ phải, biết đặt cá nhân mình trong cái chung rộng lớn hơn, nhân văn và đạo lý hơn. Và đằng sau kết quả, thành công đó là có sự chỉ đạo khi quyết liệt, lúc âm thầm, mềm mỏng nhưng sâu sát, cụ thể của lãnh đạo Huyện ủy và UBND hai huyện. Phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo 2 huyện vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả trong cuộc thương thảo này. Ðó chính là bằng chứng sinh động nhất, gần gũi và thiết thực nhất, trong việc học và làm theo Bác của cán bộ, đảng viên và nhân dân Mường Ảng, Tuần Giáo hôm nay...

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top