Để các loại hình kinh doanh có điều kiện đi vào nề nếp

09:28 - Thứ Năm, 05/10/2017 Lượt xem: 8424 In bài viết
ĐBP - “Cần siết chặt quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện” - Ðó là đề nghị của đồng chí Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) trong các buổi giám sát từ ngày 27 - 29/9/2017 về “Tình hình thực hiện chính sách pháp luật về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực văn hóa từ 2010 - 2016”...

Là tỉnh đứng “tốp” đầu về du lịch trong khu vực Tây Bắc, từ những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với sự phát triển và hội nhập của du lịch, các loại hình văn hóa có điều kiện, như: Karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, internet... đã bắt đầu du nhập và sinh sôi, trở thành sản phẩm không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi ghé thăm Ðiện Biên Phủ. Những tác động mạnh mẽ của các loại hình này đối với sự phát triển, hội nhập của nền kinh tế tỉnh ta, góp phần nâng cao trình độ dân trí và mức thu nhập cho người dân là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc quản lý Nhà nước, quy hoạch, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ... tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về văn hóa vẫn đang là bài toán cần “đáp án” chung của các ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông, gồm: VNPT Ðiện Biên, Viettel Ðiện Biên và FPT Chi nhánh Ðiện Biên. Hiện các đơn vị đang cung cấp dịch vụ đường truyền internet cho trên 200 điểm truy cập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; 142 cơ sở lưu trú du lịch với 2.132 phòng (trong đó, 1 khách sạn 4 sao, 1 khu du lịch sinh thái đạt tiêu chuẩn 3 sao, 16 khách sạn đạt từ 1 đến 2 sao; 51 nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch).

 

Ðoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) thực tế cơ sở, trang thiết bị tại quán karaoke Diamond, TP. Ðiện Biên Phủ.

Nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân, những người tìm đến loại hình vui chơi giải trí này ngày một nhiều hơn, loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke phát triển mạnh mở rộng ra các thị trấn, xã trên địa bàn toàn tỉnh. Mức độ đầu tư cũng được chủ cơ sở chú trọng hơn với các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, cách âm tốt, phòng hát được đầu tư xây dựng kiên cố, trang trí bắt mắt... đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ và thu hút khách. Không ít các cơ sở đã đầu tư thêm dịch vụ ăn uống, giải khát. Toàn tỉnh có 107 cơ sở kinh doanh karaoke, 1 cơ sở kinh doanh vũ trường; chủ yếu ở TP. Ðiện Biên Phủ, các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên... Ða số các cơ sở kinh doanh hoạt động đều có ý thức chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về hoạt động karaoke (giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, hợp đồng lao động...). Các điểm kinh doanh karaoke được bố trí theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, qua công tác thanh, kiểm tra của địa phương và các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của tỉnh, một số cơ sở kinh doanh vẫn có vi phạm về các điều kiện hoạt động (độ ồn, ánh sáng, hoạt động quá giờ, để khách uống bia rượu trong phòng...). Cá biệt, vài trường hợp do chủ cơ sở thiếu kiểm tra nên xảy ra hiện tượng gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 3 cơ sở kinh doanh karaoke, nộp ngân sách Nhà nước gần 10 triệu đồng.

Ðánh giá thực tế tại cơ sở kinh doanh có điều kiện, tại các buổi làm việc, đoàn giám sát chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý và phân cấp quản lý, việc áp dụng công nghệ thông tin vào khai báo thông tin lưu trú; công tác quy hoạch và cấp giấy phép với các cơ sở kinh doanh karaoke... Với phương châm “nhìn thẳng nói thật”, đồng chí Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) thay mặt thành viên đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong việc quản lý, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến các cơ sở kinh doanh có điều kiện về văn hóa. Ðánh giá cao những lợi ích và hiệu quả từ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về văn hóa mang lại, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Ðặc biệt, góp phần thu hút khách du lịch đến với mảnh đất và con người Ðiện Biên. Ðể các loại hình này thực sự mang lại nguồn lợi kinh tế gắn với bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc “thực tâm” nhằm kiểm soát và đẩy lùi những hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra do mất an ninh trật tự, cháy nổ... Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong việc giám sát, đấu tranh phòng ngừa các hoạt động lợi dụng cơ sở kinh doanh về lĩnh vực văn hóa để tổ chức các hoạt động không lành mạnh; kiên quyết loại bỏ các cơ sở kinh doanh dịch vụ không đảm bảo về cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện phục vụ.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top