Người Mông Kê Nênh tìm về nguồn cội

10:12 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 8655 In bài viết
ĐBP - Bản Kê Nênh, xã Tà Lèng, TP. Ðiện Biên Phủ có khung cảnh rất hoang sơ, thơ mộng. Bản trên cao, nguyên nét mộc mạc; sát cạnh là khu ruộng bậc thang rộng lớn với tầm nhìn ngút mắt núi đồi; không xa còn có thác 3 tầng róc rách mùa nước đầy. Ðiều kiện tự nhiên thuận lợi là vậy nhưng Kê Nênh không thu hút được du khách đến tham quan, tìm hiểu mới biết, theo những cuộc di cư, bản sắc văn hóa dân tộc Mông nơi đây bị mai một nhiều. Ðến nay, khi cuộc sống đã ổn định, no đủ, người dân Kê Nênh mới lưu tâm tìm về nguồn cội, khôi phục những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.


Ông Ngô Văn Dinh cùng con trai chuẩn bị đan lu cở trước hiên nhà.

Khoảng 30 năm trước, có một nhóm đồng bào Mông từ Cao Bằng di cư lên Ðiện Biên, chọn Kê Nênh làm điểm dừng chân, dựng nhà, trồng ngô, khai hoang ruộng nước. Sau ngần ấy năm mải miết làm ăn, xây dựng cuộc sống mới, Kê Nênh hiện có 67 hộ dân với đời sống tương đối đủ đầy (chỉ còn 7 hộ nghèo), nhưng nhiều phong tục tập quán, nét đẹp truyền thống của tổ tiên không còn được thực hiện thường xuyên. Ðây cũng là trăn trở, day dứt của lớp người cao tuổi trong bản. Ðể con cháu không mất cái “gốc” dân tộc, đầu tiên phải kể đến việc cách đây 6 - 7 năm, một số hộ dân dành ra vài ô đất ươm trồng tre, trúc để lấy nguyên liệu làm đồ dùng thủ công truyền thống trong gia đình. Ðể giờ đây, khi vừa vào cổng bản, chào đón khách là những vườn trúc đang vươn mình xanh tốt, bắt đầu cho thu hoạch. Chúng tôi dừng chân nhà ông Ngô Văn Dinh khi thấy ông và các con đang cặm cụi đan lu cở. Tuy đã hơn 60 tuổi nhưng đôi tay ông vẫn thoăn thoắt chẻ, vót nan, đan những vật dụng thân quen của dân tộc. Mới đây, người cháu của ông về thăm quê Cao Bằng có mua lên tặng mỗi gia đình một chiếc lu cở đan rất chắc chắn và đẹp mắt nhưng ông vẫn tự làm lu cở để dạy cho con cháu cách đan lát cũng như bài học về gìn giữ nghề thủ công truyền thống. Ông Dinh chia sẻ: “Người trẻ bây giờ không phải ai cũng biết làm lu cở và các đồ thủ công đơn giản nhưng các con tôi đều được tôi dạy làm thuần thục. Gia đình tôi cũng trồng hơn 1.000m2 cây trúc làm nguyên liệu đan lu cở, để các con hướng về cội nguồn với những giá trị truyền thống”. Ðược biết, ông Dinh còn là người duy nhất trong bản làm nghề rèn. Nhưng giờ đây với nhiều dụng cụ lao động mua sẵn, tiện lợi, ông không còn duy trì nghề mà chỉ thỉnh thoảng nhóm lửa sửa chữa một số dao, rìu, cuốc, xẻng của gia đình và bao nhiêu năm nay ông vẫn trăn trở tìm người truyền nghề.

Ngoài dùng cho đan lát, người dân Kê Nênh trồng trúc còn để làm giấy dó. Loại giấy không thể thiếu trong các nghi lễ cúng bái của đồng bào Mông. Tuy nhiên, bà con Kê Nênh từ lâu đã không còn tự làm giấy dó bởi không có nguyên liệu. Ông Dương Văn Minh, Trưởng bản cho biết: Kê Nênh hiện có gần chục hộ dân trồng trúc với khoảng hơn 7.000m2. Ðể làm được giấy dó, trúc phải đạt 12 - 13 năm tuổi; vì vậy, trong bản vẫn chưa có gia đình nào làm loại giấy này mà đang mong chờ đến ngày thu hoạch trúc.

Sau khi rời nhà Trưởng bản, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng nhạc đậm chất núi rừng cùng tiếng nói cười rôm rả tại nhà văn hóa bản. Ðến nơi được biết, cán bộ Trung tâm Văn hóa thành phố đang hướng dẫn đội văn nghệ bản các bài múa cổ truyền của đồng bào Mông. Ðội có 12 người, cả nam và nữ với tuổi đời còn rất trẻ, thường ngày chỉ quen làm nương, hôm nay cũng tập nhún nhảy, đôi bàn tay chai sạm ban đầu còn lóng ngóng sau rồi cũng mềm mại theo những điệu nhạc. Trước đây, bản không thành lập đội văn nghệ. Bận rộn với cuộc sống, người dân Kê Nênh, đặc biệt là lớp trẻ đã không còn tham gia, tổ chức các hoạt động dân ca, dân vũ truyền thống. Thành viên đội lần này hầu hết là những người chưa từng nhảy múa. Sau 3 tháng tập luyện, học những bài múa đơn giản, phổ biến của dân tộc Mông, các thành viên bản Kê Nênh đã tự tin biểu diễn trong buổi tối giao lưu ra mắt đội văn nghệ. Theo dõi một buổi tập, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với đôi vợ chồng La Văn Giàng, Vừ Thị Dùa cùng tham gia đội. Trong buổi học trước, anh Giàng còn vụng về, lúng túng tập nhảy với chiếc khèn, đến ngày hôm nay đã nhảy đẹp hơn và rất thuộc bài. Khi giáo viên hỏi, anh Giàng thật thà cho biết: “Tối về 2 vợ chồng cùng nhau ôn bài, vợ sửa động tác cho mình”. Trả lời một cách chân chất, anh Giàng cùng các thành viên khác đều tham gia đội văn nghệ với tình cảm chân chất như thế. Ðó là tình yêu nét đẹp văn hóa dân tộc, mong muốn khôi phục, tìm lại những giá trị truyền thống đang bị mai một. Bởi vậy mà dù bận rộn ruộng nương, phải tập luyện liên tục vào các buổi chiều trong suốt 3 tháng nhưng các thành viên vẫn chăm chỉ tham gia đầy đủ, đúng giờ. Ðội cũng luôn được người dân cả bản động viên, tiếp sức bằng những buổi giúp nhau lao động, nhanh xong đồng áng, gọn gàng trên nương để tập trung cho những bài múa, điệu hát.

Bên cạnh đó, tiếng nói, trang phục truyền thống vẫn được người dân Kê Nênh giữ gìn. Phụ nữ vẫn tự tay làm ra những bộ váy áo để xúng xính diện vào ngày lễ tết và các địp đặc biệt. Với tinh thần ấy, có thể thấy cái gốc của đồng bào Mông nơi đây vẫn luôn được truyền nối. Và giờ đây, những giá trị truyền thống ấy đang được vực dậy, khôi phục, giữ gìn. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng, không lâu nữa, Kê Nênh sẽ trở thành điểm sáng về văn hóa không chỉ trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ mà của tỉnh, để nhiều thôn, bản khác học hỏi, làm theo.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top