Ðiện Biên Ðông khắc phục thiệt hại giao thông do mưa lũ

09:50 - Thứ Sáu, 13/10/2017 Lượt xem: 7099 In bài viết
ĐBP - Sau mùa mưa lũ 2017, huyện Ðiện Biên Ðông chịu một số thiệt hại về hệ thống giao thông trên quốc lộ 12 và cả các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã. Ðể đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, UBND huyện đã huy động các lực lượng khắc phục tạm thời, thông tuyến để người và phương tiện lưu thông.

 

Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II khắc phục điểm sạt lở tại km226+970, quốc lộ 12, thuộc địa phận xã Keo Lôm.

Ông Ðinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Toàn huyện đang quản lý 12 tuyến đường nội thị, đường huyện và đường liên xã với 226,15km đường giao thông nông thôn A, B các loại. Qua thời gian khai thác sử dụng, đến nay hầu hết các tuyến đường đã xuống cấp nhưng do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên việc đi lại rất khó khăn. Hệ thống thoát nước trên các tuyến cơ bản chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, vào mùa mưa lũ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với các tuyến đường này là rất lớn. Ðợt mưa lũ tháng 7, 8 vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn liên tiếp, kéo dài trên diện rộng đã gây sạt lở lớn, làm ách tắc nhiều đoạn đường. Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tham mưu UBND huyện hợp đồng với doanh nghiệp khẩn trương thực hiện công tác đảm bảo giao thông, tập trung máy móc nhân lực thông tuyến tạm thời tại các điểm sạt lở lớn, đảm bảo cho các phương tiện giao thông qua lại an toàn. Ðến thời điểm hiện tại, hầu hết các tuyến đường trọng yếu của huyện bị thiệt hại do mưa lũ cơ bản đã được thông tuyến. Ðiển hình là các tuyến: Na Son - Chóp Ly; ngã tư Phì Nhừ - Sa Dung; Phì Nhừ - Chiềng Sơ; Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình; Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà; Na Son - Sa Dung - Mường Lạn. Trong đó đã hoàn thành khắc phục tạm thời, thông tuyến sự cố đứt ngầm Na Phát (bản Na Phát, xã Na Son), giúp người dân trên địa bàn đi lại, thông thương hàng hóa. Bên cạnh đó, Phòng đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức phát tuyến, khơi thông cống rãnh thoát nước, sửa chữa cầu cống tạm, vá ổ gà, san lấp mặt đường, hót đất đá sạt lở có khối lượng nhỏ để đảm bảo giao thông được thông suốt trong mùa mưa. Chính quyền cấp xã trong toàn huyện hiện đang quản lý trên 500km đường giao thông nông thôn. Qua số liệu của các xã báo cáo, trong mùa mưa vừa qua, đã huy động khoảng 12.000 ngày công để làm công tác đảm bảo giao thông, chủ yếu là hót sụt, sạt, san gạt mặt đường, khơi thông cống rãnh thoát nước; phát quang tuyến được trên 5.500m2 cây cỏ bên lề đường, sửa chữa và làm một số cầu cống tạm.

Mặc dù toàn bộ các tuyến giao thông trên địa bàn huyện đã được khắc phục, thông tuyến, tuy nhiên, do hạ tầng giao thông của huyện đã xuống cấp, việc khắc phục chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về công tác đảm bảo giao thông các tuyến đường thuộc huyện, xã quản lý bị hư hỏng lớn trong mùa mưa lũ vừa qua, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xác định khối lượng, lập dự toán sơ bộ thiệt hại. Cụ thể, hệ thống giao thông từ trung tâm huyện đến các xã có 9 tuyến với chiều dài 176,8km cần nâng cấp, sửa chữa; điển hình như tuyến: Trung tâm huyện - Na Son - Sa Dung - Mường Lạn (dài 28km) với dự toán sửa chữa, nâng cấp trên 5,5 tỷ đồng; tuyến Phì Nhừ - Chiềng Sơ (21,6km) dự toán trên 1,7 tỷ đồng. Ðối với đường từ trung tâm các xã đến bản, có 3 hệ thống đường cần nâng cấp, sửa chữa gồm: Na Sang - Pá Ban - Tà Té (9,45km); Keo Lôm - Trung Sua - Huổi Hoa, Tìa Ló - Dư O - Thanh Ngám với tổng dự toán khoảng 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 4 cầu treo thuộc các xã: Luân Giói, Háng Lìa, Pú Hồng cũng cần sửa chữa, bảo dưỡng với nguồn kinh phí dự toán khoảng gần 2 tỷ đồng. Tổng dự toán nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa… các tuyến đường trên địa bàn huyện khoảng trên 15,4 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top