Làm sao để tránh “chưa giàu đã già”?

10:33 - Thứ Hai, 16/10/2017 Lượt xem: 6732 In bài viết
Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa kết thúc đã thảo luận về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó có yêu cầu đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Đó là biện pháp cần thiết nhằm tránh nguy cơ dân số “chưa giàu đã già”, “nhà nghèo đông con”.

Lo ngại hội chứng “4-2-1”

Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã thực hiện chính sách dân số rất thành công. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ) đã giảm từ 3,73 vào năm 1993 xuống 2,1 vào năm 2006 và con số này được duy trì trong 10 năm qua. Thế nhưng, hiện nay, mức sinh ở các khu vực không đồng đều. Chẳng hạn, có những địa phương nghèo, mức sống thấp nhưng mức sinh lại cao như: Lai Châu (3,11 con/phụ nữ), Quảng Trị (2,94 con/phụ nữ), Hà Giang (2,93 con/phụ nữ)... Ngược lại, những nơi có điều kiện sống cao thì mức sinh khá thấp. Điển hình là TP Hồ Chí Minh (1,45 con/phụ nữ), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,56 con/phụ nữ), khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 1,7 con/phụ nữ)... 

 

Mỗi cặp vợ chồng sinh hai con là phù hợp.

Mức sinh giảm tại một số nơi, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, là do nhận thức về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày một nâng lên. Hơn nữa, do áp lực công việc, học tập nên nhiều phụ nữ kết hôn và sinh con muộn, sinh ít con hơn so với trước đây. Thêm vào đó, chi phí nuôi dạy trẻ ngày càng cao nên nhu cầu sinh nhiều con có xu hướng giảm nhanh ở khu vực thành thị…

“Việc người dân lười sinh sẽ tạo ra không ít hệ lụy. Nếu thấp hơn mức sinh thay thế, Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng “4-2-1” giống Trung Quốc, tức là cứ 4 người (gồm ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu. Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ già hóa dân số ở mức cao, thiếu hụt lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội”, GS.TS Nguyễn Đình Cử nói.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay, Việt Nam là một trong 5 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với 10% dân số ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên và được dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035. Như vậy, Việt Nam chỉ mất 24 năm để bước vào giai đoạn dân số già, nguyên nhân của tình trạng này là tỷ suất sinh và tỷ suất tử đều giảm, tuổi thọ tăng. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tân, già hóa dân số là đặc trưng của những nước có thu nhập cao. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh - như nhiều người nói là “chưa giàu đã già”. 

Sinh hai con là phù hợp 

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, định hướng của Trung ương về công tác dân số là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước bởi việc sinh quá ít con không có lợi cho sự phát triển. Thế nhưng, nếu để người dân được sinh thoải mái thì có thể Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ dân số. Riêng tại Hà Nội, khu vực nội thành đã đạt mức sinh thay thế từ 1,9 đến 2 con/phụ nữ; trong khi đó, ở nhiều nơi thuộc khu vực ngoại thành, tình trạng sinh con thứ ba trở lên khá phổ biến. Những huyện có tỷ lệ sinh con thứ ba tăng cũng chính là địa bàn đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Do vậy, cần phải tính đến giải pháp khoanh vùng để đưa ra chính sách dân số hợp lý đối với mỗi địa bàn. 

Đã đến lúc chuyển đổi trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Tân, ở nước ta, giai đoạn già hóa dân số và thời kỳ dân số vàng hầu như diễn ra đồng thời. Lợi thế ở giai đoạn dân số vàng là nguồn nhân lực dồi dào, có điều kiện để chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số. Điều đáng buồn là tuy nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn rất nhiều hạn chế. Do đó, cần có chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng như: Tăng năng suất lao động, tăng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động… Cùng với đó, chúng ta cần nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát chất lượng dân số ngay từ khi còn là bào thai, đồng thời bảo đảm mức sinh hợp lý để trẻ được nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý nhằm bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020.

Việc sinh con không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình mà còn liên quan tới sự tồn vong của quốc gia. Thực tế cho thấy, quy mô gia đình hai con phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong điều kiện mức sinh có sự khác biệt giữa các địa bàn, để duy trì lâu dài kết quả “mỗi cặp vợ chồng sinh hai con” thì chính sách cần có sự linh hoạt, nghĩa là mục tiêu, giải pháp sẽ có sự khác nhau giữa các nhóm địa phương chưa đạt mức sinh thay thế và nhóm đã đạt mức sinh thay thế. Việc bảo đảm mức sinh hợp lý giúp làm chậm quá trình già hóa dân số, kéo dài thời kỳ dân số vàng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top