Những “thủ lĩnh” tinh thần nơi cực tây Tổ quốc

09:51 - Thứ Năm, 19/10/2017 Lượt xem: 6052 In bài viết
ĐBP - Hơn 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, mảnh đất phên giậu nơi cực tây Tổ quốc Ðiện Biên đang thay da đổi thịt từng ngày. Có được kết quả đó phải kể đến sự đóng góp công sức của những già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng 19 dân tộc anh em, cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…

Tại Hội nghị Biểu dương già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu các dân tộc tỉnh Ðiện Biên lần thứ V, năm 2017, chúng tôi vô tình gặp lại người quen cũ. Ðó là ông Pờ Á Sinh, dân tộc Hà Nhì, người nhiều năm liền được bầu làm người uy tín của bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này khiến chúng tôi nhớ đến lần công tác tại mảnh đất ngã ba biên, được nghe ông Sinh kể chuyện vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên mốc giới. Là cán bộ, đảng viên nghỉ hưu, ông Sinh luôn cố gắng phát huy những kinh nghiệm trong quá trình công tác, gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành và tuyên truyền vận động gia đình, quần chúng nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Ông cùng những người có uy tín trong xã phối hợp chặt chẽ với Ðồn Biên phòng A Pa Chải thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân nắm được Luật Biên giới quốc gia, Quy chế biên giới đất liền và đặc biệt là để người dân hiểu rõ biên giới quốc gia của nước Việt Nam là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, ông Sinh tuyên truyền vận động 9 hộ đăng ký tham gia tự quản 22,5km đường biên, 10 cột mốc trên cả 2 tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào. Bên cạnh đó, bằng những mối quan hệ với người quen bên kia biên giới, ông thu thập, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến đường biên, cột mốc và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới cho Ðồn Biên phòng A Pa Chải. Từ đó, giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn và giải quyết tốt các vấn đề xảy ra trong khu vực biên giới và trên địa bàn xã.

Năm nay đã bước vào tuổi 69 nhưng ông Lò Văn Lê, dân tộc Thái, người có uy tín bản Cộng 2, xã Chiềng Ðông, huyện Tuần Giáo vẫn tích cực tham gia Ban Công tác Mặt trận của bản. Ông Lê cũng chính là “hạt nhân” trong việc vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan trên địa bàn. Ông Lê tâm sự: Ðể làm được điều đó, ông cùng với Ban công tác Mặt trận tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bằng uy tín của mình, ông sẵn sàng chia sẻ với bà con những gì mình biết, mình hiểu; khi thì trong các buổi họp của bản để tuyên truyền, khi thì tranh thủ những dịp lễ hội hay bà con tập trung sản xuất. Ðôi khi chỉ là những cuộc trò chuyện thân tình về cuộc sống hàng ngày, phương pháp làm ăn, việc học hành của con cái… nhưng cũng giúp bà con hiểu được cái đúng cái sai, điều tốt điều xấu còn tồn tại. Nhờ đó, đến nay người dân bản Cộng 2 đã thực hiện tốt nếp sống mới, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, cơ bản xóa bỏ được tình trạng thách cưới, hạn chế được tình trạng tảo hôn. Trong bản không còn tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, trẻ em đi học đúng độ tuổi, không còn trường hợp sinh con thứ 3…

Ông Sinh, ông Lê chỉ là 2 tấm gương tiêu biểu trong số hơn 1.400 những vị “thủ lĩnh” tinh thần trong cộng đồng 19 dân tộc anh em trong tỉnh. Họ là những tấm gương tiêu biểu luôn gương mẫu chấp hành chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nêu cao trách nhiệm, tích cực vận động, tuyên truyền giáo dục con, cháu và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình, họ trở thành cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nhiều người uy tín tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhận chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, trưởng ban công tác mặt trận, tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh, là thành viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội.

Hiện nay, có 22 già làng, người uy tín tham gia ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, 134 vị tham gia ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện; 619 vị tham gia cấp xã với tinh thần gương mẫu, trách nhiệm góp phần thực hiện thành công chương trình hoạt động công tác mặt trận các cấp. Không chỉ vậy, với tuổi đời và vốn hiểu biết phong phú, họ còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy phong tục tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc mình, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập; tích cực vận động đồng bào tham gia xây dựng quỹ khuyến học, gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học, góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ dân trí cho đồng bàn dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, người có uy tín còn tích cực đi đầu trong việc quyên góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn; ủng hộ và vận động đồng bào xây dựng nhà tình nghĩa, làm nhà đại đoàn kết, tham gia các chương trình an sinh xã hội. Ðây cũng là những “hạt nhân” tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết 19 dân tộc anh em trên mảnh đất phên giậu cực tây Tổ quốc.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top