Tăng cường kiểm tra, giám sát để “làm đúng, làm trúng”

09:05 - Thứ Năm, 26/10/2017 Lượt xem: 6266 In bài viết
ĐBP - Là tỉnh vùng cao, còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội nhưng Ðiện Biên là địa bàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Vì vậy, để mỗi đảng viên thực sự là hạt nhân tiên phong, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, là “nòng cốt” đưa Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống, xây dựng Ðiện Biên phát triển về kinh tế, vững chắc về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân các dân tộc đối với Ðảng, Nhà nước thì công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật trong Ðảng phải được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi về công tác xây dựng Ðảng nói chung, việc kiểm tra, giám sát và tiến hành xử lý kỷ luật trong Ðảng nói riêng, đồng chí Lỳ Lỳ Xá, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho biết: Sau Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đối với đảng viên, các tổ chức đảng được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến các địa phương. Trong đó, căn cứ từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã vạch rõ 27 biểu hiện suy thoái của đảng viên. Ðiển hình như thời gian gần đây, Trung ương đã tiến hành kiểm tra, xử lý rất nghiêm khắc một số đảng viên là cán bộ, lãnh đạo cấp cao trong bộ máy của Ðảng, chính quyền tại Ðà Nẵng; Hậu Giang; Ngân hàng Nhà nước... Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “lò đã nóng lên thì củi tươi cũng phải cháy”, thể hiện sự không khoan nhượng, không có “vùng cấm” về kỷ luật trong Ðảng, nhất là đối với những đảng viên suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, lối sống, thiếu trách nhiệm, tham nhũng. Việc Ðảng xử lý quyết liệt, nghiêm minh cũng vì niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, vì sự tồn vong của chế độ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một cách đúng đắn rằng: Việc xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự đối với những đảng viên vi phạm không phải là thành tích để hài lòng hay hả hê, mà ngược lại, đây đều là những quyết định mà Trung ương Ðảng, những người làm công tác kiểm tra Ðảng đều cảm thấy đau lòng khi thi hành kỷ luật. 

Ðối với tỉnh ta, thực hiện chủ trương, quan điểm của Ðảng về xử lý đảng viên vi phạm và phòng chống tham nhũng, lãng phí, từ đầu năm đến nay, nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong Ðảng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã tiến hành kiểm tra và kết luận đối với 87 tổ chức Ðảng (UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 6 tổ chức Ðảng, UBKT cấp huyện kiểm tra 81 tổ chức Ðảng); tổ chức giám sát chuyên đề đối với 26 tổ chức Ðảng, 131 đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung vào những nội dung như: Việc chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; công tác cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập… Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 45 đảng viên (trong đó có 17 đảng viên là cấp ủy viên các cấp), loại khỏi đội ngũ 17 đảng viên. Những đảng viên này chủ yếu vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý; vi phạm pháp luật của Nhà nước (sử dụng ma túy, vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, vi phạm Luật Hình sự).

Do đặc thù tỉnh nghèo, không có những tập đoàn kinh tế hay khu công nghiệp nên việc xử lý kỷ luật Ðảng đối với những đảng viên vi phạm về phòng, chống tham nhũng hay quản lý kinh tế lớn chưa xảy ra, giá trị tài sản do vi phạm cần thu hồi thường nhỏ lẻ. Vì vậy, nội dung quan trọng nhất trong xây dựng Ðảng, kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật trong Ðảng của tỉnh ta hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giám sát thực hiện nhiệm vụ quản lý, nhất là quản lý, triển khai các chính sách, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở sao cho đúng, trúng. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, mặt bằng chung trình độ của lực lượng đảng viên, kể cả lãnh đạo cấp ủy ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta hiện nay còn thấp dẫn đến việc triển khai chủ trương, chính sách còn nhiều hạn chế. Một bộ phận cán bộ, lãnh đạo cấp ủy cơ sở tại một số xã, bản còn mang tính địa phương, “sống lâu lên lão làng” nên sự sắc bén, tính tiên phong trong lãnh đạo không được phát huy. Trao đổi về quan điểm lãnh đạo, kiểm tra, giám sát tại cơ sở, đồng chí Vừ A Bằng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông chia sẻ: Ðể khắc phục tình trạng thiếu chủ động, trì trệ, “trên ráo riết, dưới thủng thẳng” trong triển khai các mặt công tác Ðảng và chính quyền tại cơ sở, không chỉ UBKT Huyện ủy mà ngay cả Thường trực Huyện ủy, UBND huyện cũng thường xuyên tổ chức các cuộc đi cơ sở để kiểm tra, giám sát. Phương thức của chúng tôi là kiểm tra bất chợt, không thông báo trước, không “trống dong cờ mở”, phương tiện ưu tiên hàng đầu là xe máy để có thể di chuyển đến những thôn bản xa xôi, điều kiện giao thông khó khăn để vừa kiểm tra, vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như phản ánh của nhân dân về đời sống và cả việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Người cán bộ, lãnh đạo cấp nào, ngành nào cũng phải thực sự sâu sát cơ sở. Có như vậy cấp ủy, chính quyền các cấp mới tạo được sự thống nhất từ trên xuống dưới; đồng thời tạo được sự lan tỏa, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi đảng viên.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top