Vai trò của cấp ủy, chính quyền đối với công tác BHXH, BHYT

10:15 - Thứ Sáu, 27/10/2017 Lượt xem: 8186 In bài viết
ĐBP - Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Ðiện Biên đã tổ chức quán triệt quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết để đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương thấy rõ vai trò, trách nhiệm đối với việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 21 nói riêng và các chủ trương, chính sách bảo hiểm nói chung.

 

Người dân giao dịch tại Phòng Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính (BHXH tỉnh). Ảnh: C.T.V

Tỉnh đã chỉ đạo ngành BHXH phối hợp với các cơ quan hữu quan, các phương tiện thông tin đại chúng... chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 21 và  văn  bản của các cấp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cơ sở đó các cấp ủy, tổ chức Ðảng xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Bên cạnh đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT. Xác định rõ những đối tượng cụ thể tham gia BHXH, BHYT để có những cách tiếp cận, kế hoạch, mục tiêu và có phương pháp, giải pháp phù hợp thực hiện có hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là việc trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ BHXH, BHYT.

Sau 5 năm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong công tác BHXH, BHYT, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đặc biệt là người lao động, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Nghị quyết 21 được ban hành tương đối đầy đủ. Tính đến 30/6/2017, toàn tỉnh có 559.501 người tham gia BHXH, BHYT, tăng 51.626 người so với  thời điểm 31/12/2012; số người tham gia BHYT đạt 98,7% dân số toàn tỉnh (tăng 1,7%). Việc thực hiện chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo theo quy định của pháp luật. Chất lượng và phạm vi dịch vụ y tế được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, BHYT, lưu trữ hồ sơ có những bước tiến vượt bậc: hệ thống mạng từ BHXH huyện, tỉnh, BHXH Việt Nam được kết nối, đảm bảo cho công tác triển khai các phần mềm nghiệp vụ, an toàn dữ liệu theo mô hình tập trung. BHXH tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lượng chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008 trong việc quản lý, giải quyết hồ sơ chính sách BHXH từ năm 2014. Ðến nay, 145/145 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trong toàn tỉnh kết nối đường truyền, việc gửi hồ sơ thanh toán sang cổng giám định của cơ quan BHXH đã phục vụ tốt cho công tác quản lý đối tượng khi đi KCB. Công tác giao dịch điện tử được triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách thủ tục hành chính.

Là tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, mức sống trung bình còn thấp so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 44,82%, do đó đã ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên... Mặc dù đối tượng tham gia BHXH có tăng hàng năm nhưng chưa xứng với tiềm năng. Tỷ lệ tham gia BHYT cao nhưng không ổn định do phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách. Số tiền bội chi quỹ KCB còn lớn. Theo thống kê của ngành BHXH tỉnh Ðiện Biên, từ năm 2011-2016: Quỹ BHYT thu được 1.505.718 triệu đồng, chi 1.421.539 triệu đồng. Riêng quỹ BHYT năm 2016 thu 378.674 triệu  đồng, chi 381.702 triệu đồng, bội chi 3.028 triệu đồng. Tình trạng nợ đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở một số doanh nghiệp phát sinh nợ lớn và kéo dài; một số doanh nghiệp mất khả năng nộp BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông... việc làm mang tính thời vụ, số lao động ít nên việc tham gia BHXH, BHYT còn hạn chế. Lao động trong các doanh nghiệp đa phần là lao động phổ thông, hợp đồng ngắn hạn, thu nhập thấp nên khó khăn cho việc tuyên truyền, vận động người lao động tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Ðể nâng cao chất lượng công tác BHXH, BHYT trong thời gian tới thì: Ðiều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu về BHXH, BHYT mà Ðảng ta đã đề ra trong Nghị quyết 21, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy Ðảng, chính quyền; các tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể nhân dân. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận để người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền, nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia. Rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, cần chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Gắn việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vào công tác bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.

Nguyễn Ðức Vượng

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) 

Bình luận
Back To Top