Ðể giảm nghèo nhanh và bền vững

09:18 - Thứ Tư, 08/11/2017 Lượt xem: 7551 In bài viết
ĐBP - Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, nhất là ở các huyện nghèo trong thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả, mục tiêu mà các chương trình, chính sách giảm nghèo đầu tư cho Ðiện Biên. Tính đến cuối năm 2015, hộ nghèo toàn tỉnh còn 28,01% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015), giảm 22% so với năm 2011. 

Tuy nhiên, chuẩn nghèo giai đoạn này chưa tính đến chỉ số lạm phát, chuẩn nghèo về thu nhập chưa phản ánh được nghèo theo mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Chính vì vậy, khi rà soát, đánh giá theo phương pháp giảm nghèo đa chiều thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo tăng lên hơn 44,8% (tại các huyện nghèo là gần 65%). 

 

Người dân xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tại Ðiện Biên Ðông, bằng nhiều nguồn vốn, chương trình hỗ trợ khác nhau cho mục tiêu giảm nghèo; huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách nhằm giúp người dân từng bước nâng cao năng suất, thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Chỉ riêng giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã tiến hành cho gần 5.000 lượt hộ nghèo vay vốn với tổng số tiền trên 114 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ tiền điện cho gần 30.000 lượt hộ nghèo… Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 38,53% vào cuối năm 2015. Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo, người nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số như nước sinh hoạt, đất sản xuất, dịch vụ y tế, giáo dục… cơ bản được giải quyết kịp thời, góp phần ổn định chỗ ở, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, theo ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông đánh giá, kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện thời gian qua chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Ðây cũng là thực trạng chung của các huyện nghèo trong tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, các chương trình, chính sách giảm nghèo thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song trên thực tế một số chính sách giảm nghèo được “thiết kế” xây dựng từ Trung ương, bộ, ngành; tuy đã được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện nhưng vẫn thiếu tính liên kết, thống nhất; đồng bộ, dàn trải, còn chồng chéo về đối tượng, nội dung, địa bàn… ảnh hưởng đến hiệu quả giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, một số chính sách giảm nghèo đặt mục tiêu cao, chưa gắn với nguồn lực; một số chính sách ban hành còn thiếu cơ sở về nguồn lực tài chính, bố trí và huy động nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều chính sách mang tính trợ cấp cho không, chưa là động lực thúc đẩy người nghèo tự vươn lên thoát nghèo… Chính vì vậy, Trong thời gian tới việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó cũng xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh…

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản. Với nhiều giải pháp thực hiện; trong đó tỉnh đã và đang tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, tập trung nguồn lực khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cứu trợ kịp thời các đối tượng xã hội bị thiên tai, lũ lụt, mất mùa; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông… Mục tiêu đặt ra, đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 6,8%, đến năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt 1.800 - 2.000 USD/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) từ 48,14% năm 2015 xuống còn dưới 33% năm 2020 (bình quân giảm trên 3%/năm), trong đó các huyện nghèo giảm bình quân hơn 4%/năm. 100% người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (được cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ giáo dục, vay vốn tín dụng…); 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại quanh năm; hơn 98% số hộ được sử dụng điện…

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top