Nhiều khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

09:27 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 8212 In bài viết
ĐBP - Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT) là hoạt động thiết thực góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Từ ý nghĩa thiết thực ấy, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho LÐNT và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo nghề cho LÐNT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề ở các cấp trình độ cho 47.646 người. Trong đó, số LÐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Ðề án 1956 là 32.803 người; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ cho 2.303 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Năm 2016 - 2017, dự ước tổ chức đào tạo được 15.842 người. Theo thống kê, có trên 70% người sau khi học nghề có việc làm đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu LÐNT, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, giúp người nông dân chuyển đổi nghề, tạo thêm nghề mới, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

 

Lớp dạy nghề trồng nấm tại bản Mới 1, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LÐNT hiện nay còn không ít khó khăn. Các lớp nghề cho LÐNT chủ yếu được tổ chức tại các thôn, bản cách xa trung tâm huyện, giao thông khó khăn. Trong khi chế độ chi trả thù lao cho người dạy nghề lưu động tại vùng sâu, vùng xa còn thấp nên việc huy động đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi cùng tham gia dạy nghề, truyền nghề cho LÐNT còn khó khăn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ, ban hành không kịp thời gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn. Mặc dù đã được đầu tư một phần trang thiết bị mới, nhưng do kinh phí còn hạn hẹp, danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu lại nhiều nên số lượng trang thiết bị đã có chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo… Ông Hà Quang Minh, Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Những năm gần đây, cơ cấu lao động của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần ở các ngành Công nghiệp - Xây dựng; Thương mại - Dịch vụ và giảm dần các ngành Nông - Lâm nghiệp. Thế nhưng, đa phần các lớp dạy nghề đều về nhóm nghề nông nghiệp; tỷ lệ LÐNT học nghề phi nông nghiệp chưa cao. Nguyên nhân một phần do tỉnh ta chưa có các khu công nghiệp, số lượng doanh nghiệp ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu tuyển dụng lao động thấp. Mặt khác, người lao động có tâm lý không muốn làm việc xa nhà, ngoại tỉnh nên chưa thu hút được người lao động tham gia học nghề phi nông nghiệp. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề tuổi nghề còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao để đào tạo công nhân có tay nghề cao, một số địa phương thiếu giáo viên nên việc đảm bảo các mục tiêu, kế hoạch và chất lượng đào tạo có phần hạn chế.

Năm 2017, Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ được giao 520 chỉ tiêu đào tạo nghề cho LÐNT. Ðến nay, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với các phòng ban, đoàn thể huyện, UBND xã tư vấn, rà soát tuyển sinh và đang mở được 8 lớp nghề cho 258 học viên, dự kiến đạt 50% so với kế hoạch giao. Tỷ lệ tốt nghiệp đạt 91/258 (35%). 100% các lớp đào tạo nhóm nghề nông nghiệp. Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, tiến độ đào tạo nghề của huyện chỉ đạt mức trung bình. Có nhiều nguyên nhân khiến kế hoạch không đảm bảo song nguyên nhân chính là do thiếu giáo viên. Hiện nay, Trung tâm Dạy nghề có 6 biên chế, trong đó 3 biên chế trong Ban Giám đốc, 3 biên chế phụ trách công tác tuyển sinh, tổ chức mở lớp. Trung tâm chưa có giáo viên cơ hữu nên khi mở lớp phải hợp đồng với giáo viên theo khóa học hoặc liên kết đào tạo. Tuy nhiên, Quyết định số 1956/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án Ðào tạo nghề cho LÐNT đến năm 2020 quy định mức phụ cấp và tiền công cho cán bộ, giáo viên dạy nghề thấp. Hơn nữa, giảng dạy tại địa phương khó khăn như Nậm Pồ thì việc hợp đồng với giáo viên không hề dễ. Ðiển hình như năm 2016, Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ không hợp đồng được giáo viên nên phải trích ngân sách cho 2 cán bộ thú y xã Nậm Khăn đi đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo nghề. Do đó, năm 2016, Trung tâm chỉ mở được 14/16 lớp đào tạo nghề cho LÐNT, còn 2 lớp chuyển sang kế hoạch năm 2017...

Ðể công tác đào tạo nghề cho LÐNT ngày càng hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng lao động, chính quyền các cấp, các ngành phải tập trung gỡ “nút thắt” về giáo viên giảng dạy các khóa đào tạo; từng bước bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề. Ðồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho LÐNT. Cần tổ chức dạy nghề phù hợp với địa phương, đào tạo các nghề nông nghiệp phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp... mới đạt hiệu quả tích cực.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top