Điện Biên: Tăng cường phòng chống rét cho gia súc

15:11 - Thứ Ba, 28/11/2017 Lượt xem: 7595 In bài viết
ĐBP - Cuối tháng 11, trời trở rét, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh Điện Biên giảm từ 5 – 100C, có nơi xuất hiện các đợt rét đậm rét hại. Theo dự báo trong các ngày tới, ở vùng cao Điện Biên, nhiệt độ có thể xuống thấp mức kỷ lục (từ 0 – 50C) và khả năng xuất hiện băng tuyết, do đó ảnh hưởng nhiều tới sức đề kháng gia súc, vật nuôi. Còn nhớ trong đợt rét đậm rét hại tháng 1/2016, tỉnh Điện Biên có trên 3.000 con gia súc chết rét, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Rút kinh nghiệm những năm trước, trong mùa rét năm nay, các xã vùng cao tỉnh Điện Biên hiện đang nỗ lực, khẩn trương và chủ động trong công tác phòng chống rét cho gia súc.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Từ đầu tháng 11, phía Chi cục Thú y phối hợp với Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp & PTNT) và chính quyền các xã tiến hành rà soát lại tổng đàn vật nuôi, gia súc trên địa bàn tỉnh; đồng thời cử cán bộ đi các xã vùng cao trong tỉnh, phối hợp thực hiện việc tuyên truyền về công tác phòng chống rét, dự trữ thức ăn cho gia súc khi thời tiết trở lạnh. Cùng việc tuyên truyền về công tác phòng chống rét, theo ông Đỗ Thái Mỹ, để đảm bảo cho sức khỏe của gia súc trong mùa đông, thì việc tiêm phòng dịch rất quan trọng. Bởi khi nhiệt độ thấp, sức đề kháng của gia súc giảm đi nhiều, dễ mắc các bệnh như: Tụ huyết trùng, bệnh về đường hô hấp, viêm phổi... Do đó, cũng trong tháng 11, Chi cục Thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp các huyện, thị xã đã tổ chức tiêm vét các vắc xin: Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn, lở mồm long móng, nhiệt thán, dịch tả lợn... trên tổng đàn gia súc toàn tỉnh. “Qua kiểm tra, giám sát chúng tôi thấy các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng dịch và tuyên truyền về phòng chống rét cho gia súc. Do có sự chủ động, bản thân người dân cũng như chính quyền địa phương cũng yên tâm hơn trong việc phòng chống rét cho gia súc trong mùa đông năm nay” – ông Mỹ cho biết.

 

Người dân bản xã Thanh Luông, huyện Điện Biên đốt lửa sưởi ấm cho trâu trong những ngày rét đậm rét hại.

Có mặt tại xã Mường Nhà, huyện Điện Biên khi thời tiết trở lạnh, chúng tôi nhận ra sự thay đổi rõ rệt trong công tác chăn nuôi gia súc của người dân nơi đây. Nếu như những năm trước, bà con ở đây thường xuyên thả rông gia súc, không có các biện pháp chăm sóc hay dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông, thì giờ đây cả 14 bản trong xã Mường Nhà không còn một con gia súc nào được nuôi thả rông nữa; tại mỗi nhà dân đều có chuồng trại hợp lý, được che bạt, gia cố chắc chắn, đảm bảo cho gia súc tránh rét. Đặc biệt, sau mùa gặt vừa rồi, nhà nào cũng dự trữ nhiều rơm rạ và thức ăn thô phòng khi khan hiếm thức ăn trong mùa rét. Vừa sửa sang lại chuồng cho trâu tránh rét, bà Lò Thị Khun, bản Na Khoang, xã Mường Nhà cho chúng tôi biết: “Được sự tuyên truyền của chính quyền xã, người dân chúng tôi đã bảo nhau không chăn thả trâu trên nương, ngoài ruộng như trước đây nữa, mà làm chuồng trại để cho trâu tránh rét. Đầu mùa đông năm nay, tôi đã dự trữ nhiều thức ăn thô và rơm rạ cho đàn trâu, hiện giờ tôi thấy rất yên tâm”.

Xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, nằm trên đèo Pha Đin với độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển; theo ghi nhận của chính quyền xã, vào đợt rét đậm rét hại vừa qua (23 – 25/11), nhiệt độ trung bình tại xã xuống thấp (từ 3 – 50C) có mưa phùn và sương mù dày đặc. Tuy nhiên, do chủ động trong công tác phòng chống rét cho gia súc nên tại xã không có con gia súc nào bị chết do trời rét. Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: “Do lường trước được diễn biến thời tiết phức tạp trên địa bàn nên ngay khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống, chúng tôi đã thông báo tới chính quyền các bản, yêu cầu bà con tu sửa lại chuồng trại, che chắn thêm bạt, chủ động tích trữ thức ăn cho vật nuôi, nuôi nhốt trong chuồng và tuyệt đối không được chăn thả rông ngoài trời. Do đó, qua đợt rét đậm rét hại vừa qua, đàn gia súc trên 2.500 con của xã không có con nào bị chết rét”.

Tuy nhiên, do đặc thù là xã vùng cao có mùa đông kéo dài và nền nhiệt độ thấp nhất trong toàn tỉnh, hiện nay, chính quyền xã Tỏa Tình cũng đang lo ngại việc khan hiếm thức ăn cung cấp cho gia súc trong mùa đông. Được biết, việc khan hiếm thức ăn đã từng diễn ra trong các mùa đông trước, cũng là nguyên nhân khiến gia súc bị chết đói vào cuối mùa đông. Do đó, chính quyền xã Tỏa Tình cũng đã hướng dẫn các hộ dân chăn nuôi tận dụng triệt để sản phẩm phụ ngành trồng trọt (rơm, thân, lá, bẹ ngô, cây lạc, khoai lang, chuối...) và cắt cỏ tự nhiên để phơi khô hoặc ủ chua.

Bằng những biện pháp cụ thể, tích cực và chủ động để phòng chống rét cho gia súc, hy vọng mùa đông năm nay, tình trạng gia súc bị chết đói, chết rét sẽ không còn, để bà con các xã vùng cao trong tỉnh Điện Biên yên tâm lao động sản xuất và phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top