Nậm Pồ thiếu nước sinh hoạt mùa khô

09:00 - Thứ Tư, 06/12/2017 Lượt xem: 8278 In bài viết
ĐBP - Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã vùng cao huyện Nậm Pồ đã diễn ra nhiều năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. Mới vào đầu mùa khô 2017 - 2018 nhưng hầu hết suối đã cạn, các công trình nước sinh hoạt tập trung không phát huy hiệu quả khiến nhiều xã trên địa bàn huyện thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Thậm chí ngay cả bể nước sinh hoạt của khu hành chính huyện, nước cũng rất đục, không hợp vệ sinh. Tìm hiểu được biết, nguồn nước sinh hoạt ở trung tâm huyện lấy trực tiếp từ suối, không qua hệ thống lọc. song vẫn là nước sinh hoạt của hàng chục cán bộ các phòng, ban huyện.

Anh Tòng Văn Thiện, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Mùa khô, suối Nậm Pồ cạn nước thì trung tâm huyện cũng bị thiếu nước sinh hoạt. Sử dụng nước suối dù biết không đảm bảo nhưng cũng phải chấp nhận. Ðể khắc phục tình trạng thiếu nước mùa khô, đầu năm 2017 UBND huyện đã đầu tư 4 giếng khoan để lấy nước sinh hoạt cho trung tâm hành chính huyện. Giải quyết được khâu thiếu nước thì chất lượng nước lại không đảm bảo. Qua kiểm tra cho thấy, nước tại các giếng khoan bị nhiễm phèn nặng và có mùi khó chịu. Hiện nay, chúng tôi chỉ sử dụng nước giếng khoan để tắm, giặt quần áo… Còn nguồn nước để nấu cơm thì phải dùng nước mưa hoặc nước bình chuyển từ Ðiện Biên vào.

 

Dù được đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt nhưng ý thức sử dụng, bảo vệ của người dân chưa cao nên hiệu quả thấp. Trong ảnh: Bể nước sinh hoạt tại xã Nặm Chua.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, tại một số điểm bản của các xã vùng cao đã thiếu nước sinh hoạt. Tại trung tâm hành chính huyện, tuy cơ bản đã khắc phục được nhưng nguồn nước không đảm bảo. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt là hệ quả của việc phá rừng làm nương, mùa mưa thì lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; mùa khô thì các khe suối cạn kiệt nước. Cùng với đó, ý thức của người dân trong việc sử dụng, bảo vệ các công trình nước sinh hoạt tập trung chưa cao. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, UBND huyện đã đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt tại các bản, xã trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, một số công trình đã hư hỏng, nước từ đầu mối không chảy về bể nhánh nên dẫn đến tình trạng thiếu nước.

Hiện nay, huyện Nậm Pồ có 108 công trình nước sinh hoạt. Trong đó 17 công trình hoạt động bền vững (chiếm 15,7%), 40 công trình hoạt động mức trung bình (chiếm 37%), 23 công trình hoạt động kém hiệu quả, 28 công trình hư hỏng, không hoạt động. Sau đầu tư, 100% công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được bàn giao cho cộng đồng thôn, bản, nhóm dân cư quản lý và sử dụng. Trong quá trình vận hành, sử dụng  không có sự giám sát và điều hành chặt chẽ, người dân cũng không được hỗ trợ kinh phí và không tự bỏ kinh phí để sửa chữa khi công trình hư hỏng nên bị bỏ hoang. Ða phần các công trình nước sinh hoạt tập trung ở các điểm bản, xã vùng cao trên địa bàn bị hư hỏng hoặc hoạt động kém hiệu quả đều đang trong thực trạng “cha chung không ai khóc”. Ðơn cử như công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Nà Hỳ 2, Nà Hỳ 3 (xã Nà Hỳ) được đầu tư xây dựng năm 2002 phục vụ nước sinh hoạt cho 200 hộ dân. Tuy nhiên, sau 2 - 3 năm sử dụng, công trình bị hư hỏng nhưng người dân không tự bỏ kinh phí để sửa chữa nên xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp. Giai đoạn 2012 - 2015, UBND huyện đã 2 lần đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình, tuy nhiên, người dân sử dụng nhưng thiếu ý thức bảo vệ nên chỉ sau thời gian ngắn lại hư hỏng. Ðến nay, đây được xem là 1 trong những công trình tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả sử dụng thấp nhất huyện.

Thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của nhân dân, nguyên nhân cũng đã được xác định song không thể sớm giải quyết. Ðể từng bước khắc phục tình trạng này, thời gian tới huyện Nậm Pồ xác định sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp: Ðẩy mạnh việc trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng đầu nguồn; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt; củng cố, tăng cường công tác quản lý, vận hành các công trình nước sinh hoạt tập trung; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong sử dụng và bảo vệ các công trình nước sinh hoạt.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top