Tuần Giáo nhiều xã vùng cao thiếu nước sinh hoạt

09:01 - Thứ Tư, 06/12/2017 Lượt xem: 7225 In bài viết
ĐBP - Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nguồn vốn Chương trình 134/CP, 135/CP của Chính phủ về hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào vùng cao… những năm qua huyện Tuần Giáo được đầu tư hàng trăm công trình cấp nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều thôn, bản vùng cao vẫn thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 

Thiếu nước sinh hoạt, người dân bản Nậm Din, xã Phình Sáng phải dùng can xách nước suối về sinh hoạt.

Nà Tòng là xã mới chia tách, thành lập (năm 2013) gồm 7 bản và gần 2.500 nhân khẩu. Những năm qua, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, xã Nà Tòng đã được đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân. Song trên địa bàn xã vẫn còn nhiều bản thiếu nước sinh hoạt, nhất vào mùa khô, như: Co Muông, Pá Tong, Co Phát, Nậm Pay… Bản Pá Tong, trước đây từ nguồn vốn Chương trình 135/CP, đã được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung. Thời gian đầu sử dụng rất ổn định, tuy nhiên sau đó do công tác bảo quản, tu sửa ít được quan tâm nên hệ thống đường ống dẫn nước hư hỏng dẫn đến không còn sử dụng được. Ðể có nước sinh hoạt, ăn uống người dân hàng ngày phải xuống suối xách nước. Anh Lường Văn Ánh, bản Pá Tong, xã Nà Tòng, cho biết: “Thời gian đầu các bể nước tập trung này rất hiệu quả. Nhưng rồi các công trình dần không phát huy tác dụng, thiếu nước cả bản lại phải ra suối lấy nước như trước đây”. Hiện nay, trên địa bàn xã Nà Tòng có hơn 10 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, các công trình này đã không phát huy tác dụng. Bên cạnh nguyên nhân ý thức của người dân trong quản lý dẫn đến hư hỏng thì có nhiều công trình ngay từ khi bàn giao cho xã, bản quản lý chỉ được một vài ngày đã không có nước.

Theo thống kê đến nay xã Phình Sáng mới được đầu tư 9 công trình nước sinh hoạt, trong đó 6 công trình đang được đề nghị thanh lý, còn 3 công trình đề nghị nâng cấp, sửa chữa. Tại bản Háng Chua và Phàng Củ có hơn 100 hộ dân nhưng chưa được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt. Người dân hàng ngày phải lấy nước suối về sử dụng. Anh Sùng A Tàng, bản Háng Chua, cho biết: Trước đây đã có đoàn cán bộ vào khảo sát để xây dựng bể nước sinh hoạt cho người dân, tuy nhiên vì khan hiếm nguồn nước nên từ đó trở đi không thấy ai quay lại. Hàng ngày để có nước sinh hoạt, chúng tôi phải đi bộ hàng giờ đồng hồ lấy nước suối về”.

Theo bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo: Toàn huyện hiện có 138 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; trong đó 11 công trình hoạt động bền vững, 30 công trình hoạt động trung bình, 33 công trình hoạt động kém hiệu quả và 64 công trình không hoạt động. Sau đầu tư, 100% công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được bàn giao cho cộng đồng thôn, bản, nhóm dân cư quản lý và sử dụng. Thế nhưng, do không có chi phí duy tu, bảo dưỡng cũng như tiền công cho người được giao nhiệm vụ trông coi nên lâu dần nhóm người được giao bảo quản công trình cũng phó mặc. Nhiều công trình đưa vào sử dụng được ít ngày bị hư hỏng nhẹ nhưng không được sửa chữa kịp thời rồi bị bỏ hoang. Hơn nữa, địa bàn huyện Tuần Giáo thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở làm hư hỏng, xuống cấp một số công trình cấp nước. Ðối với các bản chưa được đầu tư hệ thống nước tự chảy là do khi khảo sát không có nguồn nước hoặc nguồn nước không ổn định nên không thể xây dựng, ví dụ như bản Háng Chua.

Thiết nghĩ, cùng với đầu tư các công trình nước sinh hoạt cho người dân phải có quy chế quản lý, bảo dưỡng đi kèm, bởi không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước, nâng cao chất lượng đời sống cho bà con mà còn góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Theo quy định, để xã đạt chuẩn nông thôn mới thì 90% người dân trở lên phải được sử dụng nước hợp vệ sinh và 50% người dân phải được sử dụng nước sạch trở lên. Song theo thống kê của Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới huyện Tuần Giáo, hiện nay toàn huyện còn 13/19 xã, thị trấn chưa đạt tiêu chí tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top