Khát vọng Tà Lèng

08:56 - Thứ Năm, 07/12/2017 Lượt xem: 8216 In bài viết
ĐBP - Ðã không ít lần tôi qua đất Tà Lèng, nơi được coi là “vùng sâu” và là xã nghèo của thành phố Ðiện Biên Phủ. Vậy mà hôm nay tới đây trước màu xanh ngút ngàn của cây rừng; màu đỏ tươi của những mái ngói đang khoe sắc giữa trập trùng đồi núi; màu xanh non của lúa ruộng, lúa nương đang thì con gái và hương thơm nồng nàn của hoa trái trong vườn ngoài ngõ, mình chợt thấy ngỡ ngàng như lạ như quen giữa một vùng non nước, quê hương...

Hội trường UBND xã Tà Lèng hôm nay đông vui nhộn nhịp khác thường. Chủ khách gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả. Vẫn chuyện ruộng nương, nhà cửa, vườn tược, chăn nuôi… chuyện xưa, chuyện nay, chuyện của ngày mai mà hào hứng sôi nổi, nghe như mới nói với nhau lần đầu. Các đồng chí lãnh đạo thường trực Ðảng ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã; các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng trong xã đều thu xếp công việc, bớt chút thời gian gặp gỡ và trao đổi, chuyện trò với anh chị em văn nghệ sỹ thành phố Ðiện Biên Phủ, tạo nên một bầu không khí thân tình, cởi mở và đầm ấm như không còn ranh giới chủ khách. Ông Lò Văn Biên - Phó bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tà Lèng - cho biết: “Tà Lèng đã qua chặng đường xây dựng và phát triển, đời sống nhân dân đang dần ổn định, bước đầu đã được cải thiện; số hộ nghèo ngày càng giảm, người già được chăm sóc, trẻ em được đến trường… Ðặc biệt chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã giành được những kết quả rất to lớn đánh dấu bước trưởng thành vững chắc và là cơ sở để Tà Lèng hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối nhiệm kỳ như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã Tà Lèng lần thứ VI nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra”.

 

Một góc bản Kê Nênh, xã Tà Lèng. Ảnh: Đức Thành

Khó khăn của Tà Lèng là điều không thể né tránh bởi cho tới nay nhìn vào cơ cấu kinh tế của xã thì nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng 96%, dịch vụ mới chỉ ở mức 4%. Xã không có điểm du lịch, không có nhà hàng, khách sạn, chợ phiên; ngân sách xã chủ yếu do thành phố cấp! Về cơ sở vật chất, thiết chế hạ tầng, Tà Lèng mới có hai trường học là Trường Tiểu học Hoàng Văn Nô và Trường Mầm non Họa Mi và ba điểm trường Tà Lèng, Kê Nênh, Nà Nghè; một Trạm Y tế xã quy mô 5 giường bệnh; trên 2km đường nội và liên bản được bê tông hóa… số còn lại vẫn đang trong quá trình xây dựng, triển khai… Mặc dù vậy, mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm nay của Tà Lèng là hoàn toàn có cơ sở, bởi nhân dân Tà Lèng đã quyết tâm và hệ thống chính trị toàn xã đã vào cuộc. Nhiều phong trào thi đua của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị, xã hội đã mang lại những kết quả, hiệu quả thiết thực, toàn diện; nhiều cơ sở kinh tế theo mô hình trang trại gia đình đã hình thành; nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện. Bên cạnh đó xã còn được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo thành phố, sự chi viện đắc lực của các ban ngành đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội của địa phương, của tỉnh và nhất là sự động viên khích lệ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả của đơn vị F82 (Quân khu Tây Bắc), chắc chắn thời gian tới xã Tà Lèng sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Ðảng bộ thành phố Ðiện Biên Phủ đã giao về các tiêu chí nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Chí Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã: Tất cả đều bắt nguồn từ phong trào của quần chúng! Quần chúng nhân dân quyết định hết thảy. Ðây không còn là lý thuyết mà là một thực tiễn rất sinh động ở Tà Lèng. Nổi bật như các phong trào: Ðoàn kết giúp đỡ nhau đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo; ủng hộ đất để xây dựng nông thôn mới; phong trào sạch bản tốt ruộng; gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự... đều được toàn dân tham gia rất nhiệt tình và đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần để Tà Lèng từng bước đi lên.

Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình về bản khi mặt trời đã vượt qua đỉnh núi Pú Phạ, soi những tia nắng vàng rực rỡ xuống đất Tà Lèng. Từ trung tâm xã dọc theo con đường quanh co về bản, hai bên ngổn ngang những đất đá đang san ủi; những công trình đang xây dựng dở dang cùng những máy xúc, máy ủi, những xe tải, xe ben đang hối hả vào ra; những vật liệu gạch ngói, cát sỏi, sắt thép, xi măng chất chồng từng đống như dáng vẻ một công trường xây dựng đang vào kỳ nước rút. Phía xa những trang trại trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi thả cá, chăn nuôi trâu bò, gà lợn đang dần hiện ra, mỗi lúc một thêm đậm nét giữa bạt ngàn đồi núi và những tràn ruộng bậc thang tươi tốt. Tất cả đang là những nhân tố tiên quyết để mong ước thoát đói nghèo từ bao đời của người dân Tà Lèng thành hiện thực. Thế mới biết khi ý Ðảng - lòng dân là một thì sức mạnh sẽ vô cùng vô tận, sẽ tạo thành những phong trào quần chúng sôi nổi và rộng khắp, sẽ đẩy lùi đói nghèo lạc hậu cho cuộc sống của người dân thêm đủ đầy no ấm.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa, ông Mai Vĩnh Linh, người Mông bản Tà Lèng, kể: “Mình năm nay đã qua tuổi 75, cả đời làm lụng vất vả, mình vẫn mong có một ngày được mở mày mở mặt. Từ ngày có chủ trương xây dựng nông thôn mới, mình biết đây là việc Ðảng chăm lo cuộc sống cho dân, thế là mình kiên quyết đi theo và với tư cách là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, hội viên hội cựu chiến binh, mình đã vận động gia đình, con cháu ủng hộ trên 100m2 đất làm đường, làm bờ vùng bờ thửa, làm mương máng dẫn nước vào đồng. Bên cạnh đó, mình thường xuyên giúp đỡ các gia đình neo đơn, hướng dẫn cách thức sản xuất cho dân bản. Riêng gia đình mình có trên 3.000m2 ruộng lúa, 2ha nương, 5.000m2 ao nuôi thả cá, trong chuồng luôn có trên 10 con lợn, gần trăm con gà… nên gia đình mình không còn cảnh no đói thất thường nữa. Mình mong nông thôn mới ở Tà Lèng sớm tới đích để bà con dân bản hết nghèo…”!

Dọc đường đến bản Nà Nghè, dừng chân ở một quán nước ven đường giữa chốn đèo dốc cheo leo, vắng vẻ, chúng tôi thầm cảm ơn ai đó đã dựng lên ở đây một quán nước và là chỗ nghỉ chân tuyệt vời cho khách bộ hành qua núi. Hỏi ra mới biết đó là quán của gia đình anh Hoàng Văn Xung, dân bản Kê Nênh xã Tà Lèng. Anh Xung hiện không có nhà, anh đang đi họp trên xã nhưng không vì thế mà câu chuyện giữa chúng tôi và gia đình kém phần sôi nổi. Biết chúng tôi là khách về làm việc tại xã, chị Hoàng Thị Miên, vợ anh Xung, vui vẻ kể: “Quán nhà em ít hàng thôi, mới mở mà! Chỉ có nước lọc, ít chè thảo dược, chè xanh, kẹo bánh và một vài vật phẩm khác như khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, giấy vở, mắm muối... mỗi thứ một ít để ai cần gì cũng có. Ngoài ra em còn bán lẻ xăng dầu, vá xăm xe máy, xe đạp và sửa chữa những hỏng hóc thông thường cho bà con dân bản và khách qua đường”! Nghe chuyện, chúng tôi hết thảy đều thán phục về cách nghĩ, cách làm mới của những người nông dân ở một nơi có tiếng là vùng sâu xa này. Rồi những lời hỏi đáp cứ thế diễn ra một cách tự nhiên, gần gũi: “giỏi quá, thế có phải đi học không”. “Phải học chứ, không học không làm được mà”. “Học ở đâu?”. “Ở trung tâm dạy nghề ấy, người ta dạy mình mọi thứ để mình làm!”. “Học về, làm ăn có khá không?”. “Cũng được, phải cái ít vốn, nhưng dần dần cũng khắc phục được thôi”! “Sắp tới có mở rộng kinh doanh không?”. “Có chứ, nếu đường trục qua xã đi Mường Phăng được sửa chữa, nâng cấp thì đây sẽ vui lắm đấy, nhớ đến chơi với gia đình em luôn nhé”... Chúng tôi cùng cười, thật đúng là những suy nghĩ và cách làm ăn mới cùng những ước mong thật giản dị trong cuộc vươn lên thoát đói nghèo của dân Tà Tèng đã bắt đầu được đánh thức.

...Tạm biệt Tà Lèng, tạm xa những đồng chí, những người bà con chất phác, nồng hậu, trong tôi còn mãi những lời ca, tiếng hát; những điệu múa dân gian dân tộc tưng bừng mà không kém phần uyển chuyển duyên dáng - Món quà đậm bản sắc dân tộc của các đội văn nghệ bản Tà Lèng, Kê Nênh, Nà Nghè và cả những tiết mục của lãnh đạo xã dành tặng khách văn thành phố trong chuyến đi thực tế tại đây. Càng ý nghĩa hơn khi những tác phẩm, những vần thơ của các văn nghệ sỹ vừa được sáng tác ngay trên đường về bản đã kịp cất lên gửi tặng đồng bào các dân tộc Tà Lèng khiến buổi giao lưu thêm thân tình, ấm áp.

Có thể nói chương trình giao lưu đã để lại trong mỗi người những ấn tượng tốt đẹp và rất có thể nó sẽ là một gợi mở về một hướng đi để Tà Lèng vươn lên thoát đói nghèo bền vững từ phát triển du lịch kết hợp với các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội khác, tạo nguồn lực để chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tà Lèng về đích như đã định. Phải chăng đó chính là khát vọng, là mong ước của cán bộ và nhân dân Tà Lèng, trên quê hương còn không ít khó khăn, thử thách!

Ký của Nguyễn Chuyên Nghiệp
Bình luận
Back To Top