Nỗ lực bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

14:16 - Thứ Tư, 20/12/2017 Lượt xem: 7444 In bài viết
ĐBP - Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã trở thành vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Ðể đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) huyện Nậm Pồ đã và đang tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ðặc biệt, để hạn chế thấp nhất nguy hại từ thực phẩm bẩn, mỗi người dân cần thực hiện tốt vai trò của mình trong việc lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn.

Tại chợ Nà Hỳ (xã Nà Hỳ), ngoài những mặt hàng thiết yếu (quần áo, giầy dép, máy nông nghiệp...) tại đây cũng có nhiều quán cơm và đồ uống giải khát. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều quán được dựng tạm bợ, hàng hóa không được che đậy tiềm ẩn vấn đề VSATTP. Theo ông Lò Văn Khan, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ: “Nhiều năm trở lại đây, chợ Nà Hỳ không chỉ thu hút tiểu thương trong xã mà cả những vùng lân cận, thậm chí ở TP. Ðiện Biên Phủ vào buôn bán. Xác định công tác đảm bảo VSATTP là nhiệm vụ trọng tâm, xã đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo VSATTP, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Ðồng thời, xã cũng tuyên truyền vận động người dân thực hiện ăn chín, uống sôi; không mua những thực phẩm bẩn, ôi thiu, hết hạn sử dụng; sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”.

 

Lực lượng liên ngành kiểm tra VSATTP tại xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ).

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế -  xã hội, các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhà hàng trên địa bàn huyện cũng vì thế diễn ra khá “sôi động” do nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về VSATTP. Ông Khoàng Văn Sơn, Trưởng phòng Y tế huyện Nậm Pồ, cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có 404 cơ cở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể... Năm 2017, huyện đã tổ chức 3 đợt kiểm tra VSATTP với 545 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm 19 cơ sở, tiến hành tiêu hủy một số sản phẩm, như: Nước mắm Nam Ngư, mứt tết, thuốc lá Thăng Long, bim bim… Các lỗi vi phạm chủ yếu là để hàng hóa hết hạn sử dụng; trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo VSATTP. Trong tháng 12 Ban Chỉ đạo ATTP huyện dự kiến triển khai 1 đợt kiểm tra liên ngành, ước kiểm tra 15/404 cơ sở. Ðoàn thanh, kiểm tra sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm… ngăn chặn các sản phẩm, thực phẩm kém chất lượng, hàng hóa lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn không đảm bảo quy định bán ra thị trường...

Cũng theo ông Khoàng Văn Sơn, mặc dù 11 tháng qua toàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ dẫn tới ngộ độc thực phẩm mà người dân cần lưu ý, như: Sử dụng các loại thực phẩm nhiễm vi sinh vật, thực phẩm biến chất, có chứa độc tố tự nhiên, hóa chất; các loại rau, củ, quả nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật; một số món ăn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm (gỏi cá, lạp sống, tiết canh)... Ngoài ra, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hộ kinh doanh tạm bợ, thuê mướn, kinh doanh theo thời vụ nên khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Ðể hạn chế và đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn do ngộ độc thực phẩm, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo ATTP, huyện Nậm Pồ đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng… Tuy nhiên, mỗi người dân cần tự bảo vệ mình lựa chọn thực phẩm an toàn để giảm tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top