Thực hiện Ðề án Xã hội hóa phương tiện tránh thai

09:19 - Thứ Năm, 21/12/2017 Lượt xem: 7449 In bài viết
ĐBP - Ngày 13/3/2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 818/QÐ-BYT về việc phê duyệt Ðề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ)/sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển, giai đoạn 2015 - 2020”. Ðây là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.


Cán bộ dân số xã Pú Hồng, huyện Ðiện Biên Ðông tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt các biện pháp tránh thai và nuôi con khỏe. Ảnh: Huyền Lâm

Chi cục Dân số - KHHGÐ đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGÐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2017 - 2020” với mục tiêu từng bước nâng cao nhận thức của người dân về xã hội hóa các phương tiện tránh thai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGÐ/SKSS chất lượng cho người dân nhằm giảm tỷ lệ sinh, tiến tới duy trì mức sinh thay thế, đảm bảo sự công bằng xã hội và tính bền vững của chương trình dân số - KHHGÐ. Phạm vi thực hiện tại 24 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố (TP. Ðiện Biên Phủ 7; TX. Mường Lay 2; Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông mỗi huyện 1; huyện Ðiện Biên 10). Chương trình được triển khai đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên, người có nhu cầu thực hiện KHHGÐ và các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; các cơ sở dịch vụ KHHGÐ/SKSS. Nhằm tuyên truyền, vận động tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa và phát triển thị trường phương tiện tránh thai, quảng bá sản phẩm của xã hội hóa phương tiện tránh thai.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai được triển khai bước đầu cũng còn gặp nhiều khó khăn. Ðó là từ lâu người dân đã quen với việc được Nhà nước “bao cấp, miễn phí” dịch vụ KHHGÐ/SKSS nhất là trong các đợt Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGÐ/chăm sóc SKSS đến vùng đông dân có mức sinh cao, vùng khó khăn hàng năm. Vì vậy việc xã hội hóa phương tiện tránh thai, nhất là các biện pháp tránh thai lâm sàng (dụng cụ tử cung, tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai...) ở một số địa phương chưa được mở rộng và chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng; công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm xã hội hóa còn hạn chế do thiếu nguồn kinh phí... Do đó, để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề án theo Quyết định số 818/QÐ-BYT của Bộ Y tế, tỉnh đã có các giải pháp thực hiện: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng chính quyền trong công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai. Tham mưu các cấp ủy Ðảng, chính quyền hỗ trợ kinh phí địa phương để tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người dân trong việc thực hiện dịch vụ KHHGÐ/SKSS. Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng trong việc truyền thông về sự cần thiết, lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, tạo dư luận xã hội đồng tình ủng hộ theo phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về xã hội hóa phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên, người có nhu cầu sử dụng nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi từ việc được sử dụng phương tiện tránh thai miễn phí sang tự chi trả động viên, khuyến khích kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng đích tham gia xã hội hóa các phương tiện tránh thai.

Ðể thực hiện có hiệu quả Ðề án Xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGÐ/SKSS công tác truyền thông là chủ lực, vì vậy phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích bằng mọi hình thức. Tuyên truyền bằng việc cấp, phát tài liệu; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; trực tiếp gặp gỡ đối tượng. Như vậy mới phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên dân số - KHHGÐ tại các thôn, bản họ sẽ là các “chân rết”, tại các địa bàn cơ sở.

Vũ Thị Thùy

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ

Bình luận
Back To Top