Phát huy vai trò truyền thông trong thực hiện Pháp lệnh Dân số

10:38 - Thứ Hai, 25/12/2017 Lượt xem: 8525 In bài viết
ĐBP - Là tỉnh có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đứng “tốp” đầu trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc nhiều năm qua; do vậy, để thực hiện tốt các mục tiêu về pháp lệnh Dân số - KHHGÐ (DS - KHHGÐ), giảm mức sinh thì công tác truyền thông được xem là nhiệm vụ “tiên phong” đối với hệ thống dân số từ tỉnh đến cơ sở... Từ đó, giúp người dân “hiểu đúng, hiểu trúng”, chuyển đổi hành vi, nhận thức về công tác dân số trong tình hình mới, góp phần ổn định dân cư, nâng cao mức sống và thu nhập.

Trung tuần tháng 12, chúng tôi có dịp cùng chị Chu Thị Tuyền, cán bộ chuyên trách DS- KHHGÐ xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) về với bà con dân bản, gặp gỡ, chia sẻ về chăm sóc sức khỏe sinh sản với chị em phụ nữ các bản vùng cao. Trao đổi với chị Chu Thị Tuyền, được biết: Ðể dân hiểu và thực hiện các pháp lệnh về dân số, giảm thiểu sinh con thứ 3, hôn nhân cận huyết thống thì đòi hỏi người cán bộ dân số phải tận tâm, tận lực, thực sự là “cầu nối” đưa chính sách, dịch vụ dân số đến gần hơn với người dân, đặc biệt là bà con ở các bản vùng sâu, vùng xa. Ðể làm được điều đó, phát huy vai trò truyền thông, tôi đã xuống từng thôn, bản, bám nắm địa bàn, đặc biệt là vùng có mức sinh cao; trước nhất là gần gũi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên chị em nên sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt. Thêm nữa, là vận động chị em sử dụng các biện pháp tránh thai, không nên sinh đẻ tại nhà để đảm bảo sức khỏe cũng như chăm sóc con tốt hơn.

 

Cán bộ chuyên trách dân số xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) truyền thông về công tác dân số đến người dân.

Ðể công tác DS - KHHGÐ đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, ngành Dân số tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, Sức khỏe sinh sản /KHHGÐ... Công tác truyền thông tập trung ưu tiên các địa bàn có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, đối tượng có nguy cơ và tình trạng sức khỏe sinh sản kém. Bà Ðặng Thị Thúy Lan, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS - KHHGÐ tỉnh, khẳng định: Thời gian qua, công tác truyền thông góp phần rất quan trọng vào nâng cao chất lượng DS - KHHGÐ từ tỉnh đến cơ sở. Ðể công tác truyền thông thực sự đi vào cuộc sống, gắn liền với đời sống, phong tục tập quán, trên cơ sở sự hưởng ứng của nhân dân, công tác truyền thông được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Hệ thống dân số từ huyện đến thôn, bản duy trì tổ chức các buổi truyền thông thường xuyên, đưa chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác DS - KHHGÐ, lợi ích của sàng lọc trước sinh, sơ sinh... đến với nhân dân. Năm 2017, toàn tỉnh đã truyền thông trực tiếp tại 7.667/9.065 thôn, bản đạt 84,6% kế hoạch; tổ chức truyền thông, nói chuyện chuyên đề tại 24/23 trường THPT về sức khỏe sinh sản vị thành niên; triển khai 2 đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền cung cấp dịch vụ KHHGÐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tại 52 xã thuộc 8 huyện.

Phát huy vai trò “hạt nhân” trong công tác truyền thông, đội ngũ 1.817 cộng tác viên đã vượt qua khó khăn, xây dựng các mô hình truyền thông tại cộng đồng; thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để bám nắm địa bàn, tích cực vận động người dân thực hiện đường lối chủ trương của Ðảng, Pháp lệnh DS - KHHGÐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản; tập trung vào các cặp vợ chồng đã có 2 con để tuyên truyền. Với những nỗ lực của ngành Dân số các cấp, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng... Trong đó, ước số trẻ sinh là 14.268 trẻ, tỷ suất sinh 24,6%0 (giảm 0,5%0 so với năm 2016); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 22,11% giảm 3,47%; tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai ước đạt 67%... Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top