Nậm Pồ, dấu ấn 5 năm phát triển

10:23 - Thứ Sáu, 29/12/2017 Lượt xem: 7574 In bài viết
ĐBP - Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Huyện ủy, HÐND, UBND huyện luôn xác định: Quy hoạch hạ tầng và giao thông phải đi trước một bước. Do đó, huyện khẩn trương hoàn thành Quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã mới chia tách; quy hoạch xây dựng đô thị trung tâm huyện; quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ðịnh hướng đưa huyện Nậm Pồ phát triển theo chuỗi thống nhất, ổn định lâu dài.


Các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại Trung tâm xã Nà Hỳ ngày càng đông đúc, nhộn nhịp.

Giai đoạn đầu, huyện Nậm Pồ tranh thủ nguồn vốn các chương trình tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cấp xã. Ðiều dễ nhận ra, từ khi “biên chế” vào huyện Nậm Pồ, diện mạo các xã: Si Pa Phìn, Chà Cang, Chà Nưa, Chà Tở, Nậm Khăn, Na Cô Sa, Nà Bủng hoàn toàn đổi mới. Ðến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện; trên 93% bản được đầu tư đường dân sinh. Tạo điều kiện cho người dân mở rộng giao thương, trao đổi hàng hóa. Huyện Nậm Pồ luôn chú trọng đảm bảo giao thông kết nối với huyện Mường Chà, Mường Nhé, lối mở A Pa Chải qua quốc lộ 4H; với thị xã Mường Lay qua tuyến đường Chà Tở - Mường Tùng; thông thương với các tỉnh Bắc Lào qua cửa khẩu phụ Si Pa Phìn - Huổi Lả. Năm 2017, huyện đầu tư mở đường Huổi Văng - Huổi Noỏng để giao thương với huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) qua đường thủy nội địa Nậm Khăn - Nậm Nhùn. Hiện nay, huyện xây mới, nâng cấp 6 điểm chợ tập trung: Vàng Lếch (xã Nậm Tin), Chà Cang, Nà Hỳ, Phìn Hồ, chợ biên giới Si Pa Phìn và chợ trung tâm huyện tạo điều kiện cho người dân mua bán, tiêu thụ hàng hóa và sắp xếp dân cư thành đô thị nông thôn quanh các khu chợ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá bằng các giải pháp như: Thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng… Nhờ đó, ngành nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng: Năm 2017, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 18.262 tấn, tăng 3.637 tấn so với năm 2013. Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình trồng thí điểm cây sa nhân tại xã Nậm Khăn, hiện nay phong trào trồng sa nhân dưới tán rừng lan rộng ra các xã: Chà Nưa, Chà Cang, Pa Tần. Trong phát triển chăn nuôi, huyện Nậm Pồ chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa; hình thành các khu vực trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò đạt 23.898 con, tăng 3.957 con so với năm 2013. Bảo vệ an toàn 59.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,4% (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn tỉnh 1%).

Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Nậm Pồ có nhiều cách làm hay, sáng tạo để tuyên truyền, huy động nguồn lực; hình thành các mô hình sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, nâng cao giá trị sản phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường. Ðiển hình như: Mô hình xây lò đốt rác, bảo vệ môi trường tại 2 xã Chà Cang, Chà Nưa; làm đường bảo vệ rừng ở Chà Nưa; giải tỏa hành lang giao thông ở Chà Cang, Nà Hỳ, Nà Bủng. Dự kiến, năm 2017, huyện Nậm Pồ có xã Chà Nưa cơ bản đạt chuẩn; năm 2020 huyện có 2 xã: Chà Nưa và Chà Cang đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội tỉnh tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Hiện nay, huyện Nậm Pồ có 19 trường đạt chuẩn quốc gia, dẫn đầu toàn tỉnh về thành tích xây dựng trường chuẩn quốc gia. Quốc phòng - an ninh trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. 5 năm qua, huyện Nậm Pồ đã chuyển hóa thành công địa phức tạp về an ninh trật tự; không có dân di cư tự do vào địa bàn; giải quyết dứt điểm 29/29 điểm tranh chấp đất rừng.

Năm 2018 đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Nậm Pồ xác định tiếp tục phát huy thành tích, cống hiến sức lực xây dựng Nậm Pồ đổi mới và phát triển.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top