Mong ấm no trên quê hương mình

10:43 - Thứ Sáu, 29/12/2017 Lượt xem: 6241 In bài viết
ĐBP - Những ngày cận kề tết dương lịch, sớm tinh mơ trong cái lạnh thấu xương, từ trung tâm huyện Nậm Pồ, chúng tôi ngược gần 40km về bản Tàng Do (xã Nậm Tin). Cảm nhận đầu tiên đó là cuộc sống của bà con nơi đây đã tươi sáng và đủ đầy hơn. Nhưng ẩn sau những góc khuất, vẫn còn những câu chuyện buồn.

May mắn trở về đoàn tụ bên gia đình, anh Giàng A Chính, nhóm I, bản Tàng Do, kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống khổ nhục nơi xứ người. Anh Chính cho biết: “Nghe người trong bản rủ sang Trung Quốc làm thuê được trả tiền công cao nên vợ chồng tôi bàn nhau đi thử một chuyến với hy vọng có cơ hội đổi đời... Tháng 2/2017, tôi để lại con cái, đứa bé nhất chưa đầy 5 tuổi cho cháu lớn trông nom rồi tìm cách sang Trung Quốc lao động “chui”. Sang đó, vợ chồng tôi được đưa đến làm trong trang trại trồng nấm, thu hái nông sản của những ông chủ người Trung Quốc với đồng lương ít ỏi. Vợ chồng tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng đến tối mịt, nơi ăn chốn ở tạm bợ. Ðặc biệt, vào những ngày trái gió, trở trời không may ốm đau, vợ chồng tôi không biết phải làm sao, thuốc không có uống chỉ biết động viên, chăm sóc nhau, với hy vọng được trở về đoàn tụ bên gia đình”.

Men theo con đường mòn phía dưới chân núi, đến thăm gia đình anh Giàng A Vảng (người cũng mới trở về từ miền đất “hứa”). Trong ngôi nhà gỗ nằm khép dưới bụi tre, chúng tôi thấy tiếng trẻ thơ nô đùa thỏa thích, trong vòng tay yêu thương, vỗ về của người cha. Biết chúng tôi có ý hỏi về cuộc sống nơi đất khách, bằng vốn tiếng Kinh ít ỏi, anh Giàng A Vảng, không ngần ngại, thốt lên rằng: Khổ lắm, cuộc sống bên đó không như mình nghĩ, lao động vất vả lắm! cái bụng thì lúc nào cũng đói, không làm thì bị chủ mắng, dọa không trả tiền công, nên ngày nào mình cũng phải làm quần quật đến tối mịt. Không chỉ lo bị chủ “quỵt” tiền mà mỗi khi nghe tin cảnh sát đi kiểm tra là phải trốn chui, trốn lủi trong rừng sâu. Nhưng mình cũng may mắn hơn nhiều người khác là được trở về nhà. Ở quê, tuy có khó khăn, vất vả, nhưng mình sẽ cố gắng làm ăn, vì dẫu sao cũng được ở bên gia đình, chăm sóc con thơ.

Không chỉ riêng vợ chồng anh Giàng A Chính và Giàng A Vảng mà trong bản có  gần chục người nghe theo sự giới thiệu và ước mơ “làm giàu” nơi xứ người, rời bỏ quê hương. Trong đó vẫn còn nhiều người chưa trở về. Người đi thì không biết có “đổi đời” được không, còn người ở lại thì khắc khoải, chờ mong. Ngược con dốc nhỏ, chúng tôi đến thăm gia đình cụ Thào Thị Phai (75 tuổi). Cụ có con sang Trung Quốc lao động chưa về, cụ Chinh chia sẻ: “Bây giờ, tôi tuổi già sức cùng, lực kiệt nên không thể lo cho đàn cháu nhỏ được nữa. Tôi chỉ mong chúng nó về nhà, có gì ăn nấy, chăm sóc các cháu và ở cùng tôi...”.

Mang những “trăn trở” về giấc mơi đổi đời nơi xứ người của người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa trao đổi với bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ, được biết: Tính đến hết năm 2017, toàn huyện có gần 1.000 trường hợp xuất cảnh lao động trái phép. Mặc dù, Phòng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, nhưng vì thiếu kiến thức, sự hiểu biết, “nhẹ dạ cả tin”, hám lợi nhuận nên nhiều người sẵn sàng rời bỏ quê hương đi tìm giấc mơ làm giàu.

Ðể khuyến khích bà con phát triển kinh tế, bám đất, bám rừng làm giàu trên quê hương, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, như Chương trình 135, Nghị quyết 30a; hỗ trợ cây, con giống… Ðặc biệt, là đào tạo, xuất khẩu lao động theo con đường hợp pháp; cung cấp những thông tin về chương trình tuyển dụng lao động của các công ty trong, ngoài nước; đồng thời hướng dẫn cách thức làm hồ sơ, thủ tục để người dân thực sự cảm thấy yên tâm và tin tưởng khi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, bà Bùi Thu Hằng cũng thẳng thắn thừa nhận, do là huyện mới thành lập, địa bàn rộng, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn còn hạn chế dẫn tới “cầu” không đủ “cung”. Hơn nữa, trình độ tay nghề của lao động đã qua đào tạo nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; mức thu nhập hạn chế trong việc giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top