Bao giờ 1.647ha rừng mới được bàn giao để có chủ rừng rõ ràng?

17:22 - Thứ Sáu, 29/12/2017 Lượt xem: 8578 In bài viết
ĐBP - Theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trách nhiệm để xảy ra các vụ phá rừng trái phép đầu tiên thuộc về chủ rừng; sau đó là vai trò của chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra hiện nay là tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé vẫn còn 1.647ha rừng chưa được bàn giao cụ thể cho Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé quản lý, bảo vệ hay chính quyền các địa phương bởi sự chồng chéo của 2 văn bản. Việc bàn giao chưa ngã ngũ khiến cho diện tích rừng trên vẫn chưa có chủ, do vậy khiến việc quy trách nhiệm rõ ràng giữa các lực lượng khi có sự vụ liên quan đến việc bảo vệ rừng sẽ còn rất khó khăn.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có diện tích quy hoạch là 45.581ha với mục đích bảo vệ hệ sinh thái rừng, nguồn nước phòng hộ đầu nguồn sông Đà. Song Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 27/9/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đến năm 2025, định hướng đến 2030 thì quy mô diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé sau khi rà soát điều chỉnh là 47.228ha, tăng thêm 1.647ha so với diện tích quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg. Nếu căn cứ theo 2 văn bản, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, vì diện tích trên chưa có quyết định bàn giao, chưa có chủ rừng.

 

Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé trao đổi với phóng viên về những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng chưa được bàn giao.

Nói về vấn đề này, ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Hiện nay, 1.647ha rừng được quy hoạch rừng đặc dụng giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 theo Quyết định số 1199/QĐ-UBND tại 5 xã vùng đệm: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè là diện tích đang lơ lửng, chưa giao cho cộng đồng, hộ gia đình hay tổ chức nào quản lý. Nếu diện tích này không bàn giao cụ thể cho đơn vị nào thì rất khó quản lý, có nguy cơ dẫn đến tình trạng bị khai thác, làm ruộng, nương xâm lấn đất rừng. Về phía Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là chủ rùng nhưng chỉ là chủ của rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn; còn đối với diện tích này đơn vị chưa nhận được quyết định bàn giao rừng nên không có chế tài để xử lý. Vì vậy, hiện nay, đối với diện tích này, đơn vị đang thực hiện đồng quản lý cùng với UBND các xã, kiểm lâm để cùng tuần tra, quản lý; nếu xảy ra sự vụ gì thì cùng giải quyết, song diện tích chưa được bàn giao cụ thể nên việc phối hợp quản lý, bảo vệ giữa các bên chưa cao. Mặt khác, vì diện tích này chưa có chủ nên vẫn chưa được hưởng tiền phí chi trả dịch vụ môi trường rừng dẫn đến ý thức quản lý, bảo vệ rừng của người dân, cộng đồng chưa cao, vẫn xảy ra tình trạng phá rừng làm nương. Đơn cử như năm 2017, trong số diện tích chưa được bàn giao trên, trên địa bàn xã Leng Su Sìn cũng có một phần và trong diện tích đó đã xảy ra 2 vụ phá rừng làm nương; vì vậy đơn vị đã phối hợp với tổ 420 xử lý, ngăn chặn. Trước kia, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cũng đã có văn bản kiến nghị với UBND huyện rằng trong thời gian đợi Chính phủ điều chỉnh, giao đất, huyện nên có phương án giao diện tích này cho cộng đồng hay tổ chức cụ thể để quản lý, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” nhưng huyện chưa có động thái giao cho đơn vị nào.

Câu chuyện chồng chéo trong quy hoạch là vấn đề cần sớm có lời giải để việc quy hoạch rừng đi vào nền nếp và quan trọng hơn hết là khi người dân, cộng đồng được hưởng lợi từ rừng (hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng) để ổn định đời sống người dân thì mới hạn chế tình trạng xâm lấn đất rừng, rừng mới được giữ. Khi mà tất cả các diện tích trên đã nằm trong quy hoạch vào mục đích rừng đặc dụng, đã có chủ rừng xác định thì mới quyết liệt không để người dân tự ý phá rừng làm nương và có thể kiên quyết xử lý với những trường hợp vi phạm. Còn nếu vẫn kéo dài tình trạng như hiện nay thì trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích quy hoạch “treo” (1.647ha) chủ yếu vẫn thuộc về chính quyền các địa phương. Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Duy Đáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, cho biết: Trong diện tích 1.647ha rừng chưa có chủ, xã Leng Su Sìn có 747ha thuộc 2 bản: Suối Voi và Leng Su Sìn. Đối với diện tích quy hoạch “treo” này chưa bàn giao cho chính quyền xã nhưng hiện địa phương và kiểm lâm địa bàn vẫn tổ chức quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, diện tích này chưa được bàn giao cho xã nên người dân chưa được hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng khiến ý thức bảo vệ rừng của bà con chưa cao. Bởi vì, tại khu vực bản Suối Voi vẫn còn một số hộ dân sinh sống, canh tác ở đây từ lâu đời; tuy chưa xảy ra sự vụ gì lớn nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, quản lý rừng tại địa phương. Mới đây, UBND xã đã phối hợp với lực lượng chức năng di chuyển 1 hộ gia đình ở bản Suối Voi vào canh tác từ năm 2014 ra khu vực ngoài. Trong khoảng thời gian sinh sống ở đây, hộ gia đình này đã phá từ 200m2 đến 20.000m2 để làm nương. Chính vì lẽ đó, xã cũng nhiều lần đề nghị huyện nếu đủ thẩm quyền thì giao cho xã quản lý để người dân được hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng; qua đó gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng với quyền lợi của bà con. Nhiều địa điểm khi chưa có quy hoạch, bàn giao cụ thể mà người dân đã sống và canh tác ở đó thì công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng được nâng cao hơn.

Trước thực trạng trên, người dân, chính quyền các xã trong khu vực có quy hoạch và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé mong muốn UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần sớm có phương án bàn giao diện tích quy hoạch 1.647ha cho tổ chức hay cộng đồng cụ thể, để bà con sớm được hưởng lợi từ việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng; giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng và tránh những hệ lụy về sau.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top