Hội Nông dân tỉnh một năm nhìn lại

08:44 - Thứ Sáu, 12/01/2018 Lượt xem: 9543 In bài viết
ĐBP - Năm 2017, hoạt động của Hội Nông dân tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.


Ông  Lò Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham quan trang trại của gia đình anh Phạm Anh Dũng, đội 7, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Bảo Khánh

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Năm 2017, sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp Hội, sự cố gắng nỗ lực của hội viên, nông dân, phong trào và công tác Hội tiếp tục thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tổ chức Hội được tăng cường củng cố toàn diện, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong năm, Hội kết nạp 1.576 hội viên, nâng tổng số toàn tỉnh lên 79.075 hội viên. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được đẩy mạnh và thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Hội tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng nhanh sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, các mô hình “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn”, “Mô hình xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù” ở 7 huyện, 19 xã trên địa bàn tỉnh được Hội tiếp tục thực hiện với việc tổ chức luân chuyển 54 con trâu, bò giúp 54 hộ nghèo chăn nuôi. Nổi bật nhất trong năm qua là hội đã hướng dẫn và vận động 80 trường hợp tham gia mô hình liên kết cánh đồng lớn với hơn 31ha sản xuất lúa và hỗ trợ nhãn mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm gạo tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng/tiêu thụ sản phẩm, như: Mô hình liên kết trồng dong riềng, chè… Các mô hình đã mang đến làn gió mới thúc đẩy phong trào nông dân SXKDG phát triển sâu, rộng, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giúp nhiều hộ thoát nghèo. Ðiều đó được thể hiện qua con số 7.005 hộ SXKDG các cấp đang được duy trì trong toàn tỉnh; trong đó có 69 hộ nông dân SXKDG cấp Trung ương.

Nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, Hội tiếp tục triển khai và nhân rộng các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Mục đích của Quỹ là hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện liên kết sản xuất theo nhóm hộ, nhằm phát triển quy mô, mở rộng sản xuất, kích thích người dân chủ động phát triển kinh tế. Ðây cũng là một trong những điểm nổi bật của Hội trong năm qua khi toàn tỉnh xây dựng 25 dự án để phát triển chăn nuôi trâu, nuôi lợn sinh sản cho 349 hộ vay với tổng số gần 12,2 tỷ đồng (trong đó, quỹ Trung ương Hội ủy thác là 9,7 tỷ đồng, quỹ của tỉnh hơn 1,545 tỷ đồng, quỹ của huyện là 942 triệu đồng). Ngoài ra, các cấp hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hướng dẫn, bình xét đối tượng vay vốn đảm bảo đúng nguyên tắc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 22.447 hộ nông dân vay với tổng số tiền dư nợ trên 715 tỷ đồng. Không chỉ hỗ trợ về vốn, Hội còn phối hợp với các phòng lao động, thương binh và xã hội, trung tâm dạy nghề huyện… khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức dạy nghề cho nông dân. Các cấp hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 2.150 lao động nông thôn, 80% trong số đó sau học nghề đã tìm được việc làm thích hợp. Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức 3 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả cho 100 hội viên nông dân tại xã Thanh Nưa, Mường Pồn (huyện Ðiện Biên), xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ). Các dự án được đầu tư cho phát triển sản xuất, các chương trình đào tạo nghề cho nông dân bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân mở rộng sản xuất tăng thu nhập có điều kiện vươn lên trở thành hộ khá, giàu

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới bằng việc làm thiết thực, như: Ðóng góp trên 24.270 ngày công xây dựng và tu sửa các công trình phúc lợi, làm mới sửa chữa 20,7km đường dân sinh; hiến 26.428m2 đất góp phần làm sáng, xanh, sạch, đẹp đường làng ngõ xóm. Ngoài ra, hội viên nông dân đóng góp trên 10,4 tỷ đồng để sửa chữa và làm mới 19 nhà giúp các gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, neo đơn, các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ; xây dụng mới 27 nhà văn hóa thôn, bản...

Nhìn lại kết quả năm 2017, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung thực hiện 3 phong trào, 12 chỉ tiêu thi đua năm 2017 cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, từng bước xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện là trung tâm nòng cốt trong tổ chức mọi hoạt động của phong trào nông dân, từ đó có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top