Tà Lèng trên đường đổi mới

09:54 - Thứ Hai, 15/01/2018 Lượt xem: 8527 In bài viết
ĐBP - Vào thời điểm này, người dân Ðiện Biên nói chung, người dân xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) nói riêng, đang nô nức chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Dòng người tấp nập ngược xuôi hòa vào niềm vui chung đón một mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng, người dân bản Tà Lèng, nhà nhà bận rộn chuẩn bị đón mùa xuân mới.

Ông Lê Chí Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: xã Tà Lèng được thành lập tháng 4/2009, có tổng diện tích tự nhiên là 1.529,36ha với 264 hộ, 1.147 khẩu, 5 dân tộc (Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Dao), sinh sống ở 3 bản: Kê Nênh, Nà Nghè và Tà Lèng. Một xã vùng ven TP. Ðiện Biên Phủ, chủ yếu làm nông nghiệp (chiếm 96%, dịch vụ 4%). Những ngày đầu sáp nhập vào thành phố, nơi đây vẫn còn là một xã còn nhiều gian khó, giao thông đi lại khó khăn, đường đến các bản chủ yếu là đường dân sinh, mùa khô thì bụi bẩn, mùa mưa lầy lội, dân cư sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất còn mang nặng tính tự cung, tự cấp.

Những năm gần đây được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, thành phố, xã Tà Lèng ngày một đổi thay. Ngay tại trung tâm xã, trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang, xã có 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học được xây kiên cố, 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, người dân Tà Lèng đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Ðiển hình như gia đình anh Lò Văn Mấng, phát triển kinh tế với mô hình làm lúa nước - đào ao thả cá - trồng cây ăn quả - chăn nuôi đàn gia súc cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hay như mô hình kinh tế của gia đình ông Mai Vĩnh Linh,  Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, hội viên Hội Cựu chiến binh, ông là người tiên phong đi đầu trong phong trào vận động người thân, con cháu, trong gia đình hiến hàng trăm mét vuông đất làm đường giao thông, làm mương máng, dẫn nước vào đồng. Hiện gia đình ông trồng 3.000m2 ruộng lúa nước 2 vụ, 2ha nương, đào 5.000m2 ao nuôi cá, nuôi hàng trăm con gia cầm, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn đầu tư, kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả. Ông tâm sự: Năm 1963, ông đưa gia đình, đến sinh sống tại bản Tà Lèng. Ngày đầu đến đây đất rộng, người thưa, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của bà con còn nghèo khó. Ông ngày đêm tìm cách thoát nghèo cho gia đình mình và bà con trong bản. Ông là một trong những người mở đường để bà con chuyển đổi tập quán trồng lúa nương năng suất thấp, sang mô hình sản xuất lúa ruộng 2 vụ, ruộng bậc thang cho năng suất cao, từ diện tích ruộng chuyển sang đào ao thả cá... Ðến nay bản Tà Lèng, nhà nào cũng có vài ba ao thả cá, gia súc, gia cầm được nuôi nhốt hợp vệ sinh. Hệ thống đường giao thông đi đến các bản đã được bê tông hóa, người dân có điện thắp sáng, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông.

Những ngôi nhà sàn lợp ngói ngày một khang trang dần xóa đi cảnh đói nghèo lạc hậu. Ðặc biệt ấn tượng sâu sắc đối với bất kỳ ai khi đến với Tà Lèng là những khu rừng bạt ngàn như chiếc áo bao bọc, chở che cho cả vùng ven thành phố. Cách đây 63 năm Tà Lèng diễn ra trận đánh giữa quân ta (vào 31/1/1954 Tiểu đoàn dù số 1, tiến quân vào khu Tà Lèng, tại đây được sự yểm trợ của pháo binh, bộ binh địch chiếm được cao điểm 781 (bộ đội ta gọi là đồi xanh). Tiểu đội lính Lê Dương hí hửng chiếm được cứ điểm quan trọng của Việt Minh, chúng gọi điện báo cho Ðờ Cát Tơ - ri Các chiến sĩ C925, D255, E174, Ðại đoàn 316, tổ chức phản công chiếm lại cao điểm. Ðược sự chỉ huy của tiểu đội trưởng Ðinh Văn Niết và 12 tay súng của ta, cuộc chiến kéo dài hơn 1giờ đồng hồ. Biết lực lượng của ta mỏng, đạn đã cạn, quân địch hò nhau xông lên. Khi quân địch ào lên, chiến sĩ Hoàng Văn Nô, nhảy lên khỏi giao thông hào, dùng lưỡi lê đâm chết 1 tên lính Lê Dương cùng với tiếng thét xung phong. Cả tiểu đội xông lên đánh giáp lá cà với địch, sau khi dùng lê hạ gục 5 tên lính Lê Dương to cao gấp rưỡi người mình, Hoàng Văn Nô trúng đạn và hy sinh anh dũng trong tư thế hiên ngang, lẫm liệt. Trận chiến đấu sát lá cà làm quân địch hoảng hốt tháo chạy, bỏ lại 20 xác đồng bọn. Ðể ghi nhớ công lao hy sinh anh dũng của Hoàng Văn Nô, ngày 26/4/2000, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Hoàng Văn Nô. Tên của anh đã gắn với tên của ngôi Trường Tiểu học Hoàng Văn Nô, đường Hoàng Văn Nô ngay trên đất Tà Lèng để khách thập phương đến đây được trực tiếp tưởng nhớ lại chiến tích lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã làm lên một Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.

Tà Lèng một vùng quê hiền hòa anh dũng mà kiên trung, bước vào thềm năm mới 2018, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chính quyền, sự đồng tâm hiệp lực của người dân, hứa hẹn một sự đổi thay, lòng quyết tâm của toàn Ðảng, toàn dân, xã Tà Lèng sẽ phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2020 mà Nghị quyết Ðảng bộ xã đề ra.

Hương Sen (TP. Ðiện Biên Phủ)
Bình luận
Back To Top