Nhiều lao động vẫn xuất cảnh “chui”

10:05 - Thứ Hai, 15/01/2018 Lượt xem: 8831 In bài viết
ĐBP - Năm 2017, toàn tỉnh phát hiện 1.737 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, tăng 400 trường hợp so với năm 2016. Tập trung tại các huyện: Nậm Pồ (1.134 người); Mường Nhé (165 người); Tuần Giáo (142 người); Ðiện Biên Ðông (136 người)… Tình trạng này diễn ra ngày càng phức tạp gây khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ðặc biệt là tiềm ẩn nhiều hệ lụy khi tính mạng, tài sản của những người xuất cảnh không được pháp luật bảo hộ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân vùng cao xuất cảnh trái phép qua biên giới gia tăng, khó kiểm soát là do cuộc sống quá khó khăn, không có việc làm, thiếu đất sản xuất. Việc xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch vượt quá khả năng của người dân bởi các yêu cầu về chi phí, trình độ tay nghề, khả năng ngoại ngữ... Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc rất lớn, hình thức thanh toán đơn giản. Không còn cách nào khác, họ đành phải chọn con đường xuất khẩu lao động “chui”. Tuy nhiên, xuất cảnh “chui” tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ: Bị bóc lột sức lao động, quỵt tiền lương, bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, mua bán người...

 

Công an xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) tuyên truyền người dân không xuất cảnh trái phép.

Mặc dù, đã về nước một thời gian nhưng ông Thào A Xèng, bản Huổi Ðáp, xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) vẫn chưa hết ám ảnh về những ngày tháng làm thuê bên xứ người. Năm 2016, vì cuộc sống quá khó khăn, ông Xèng quyết định xuất cảnh đi làm thuê theo lời giới thiệu của người quen. Sang Trung Quốc, làm việc tại một nông trường trồng chuối, ông bị vắt kiệt sức lao động, làm việc từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới được nghỉ. Chỗ ăn, nghỉ tuềnh toàng, cuộc sống không đảm bảo. Sau hơn nửa năm lao động, nhận thấy sức khỏe không đảm bảo để đáp ứng công việc, ông Xèng xin nghỉ về quê thì chủ nông trường chỉ trả cho một nửa số tiền lương với lý do phá hợp đồng lao động. Ông Xèng tâm sự: Sau một vài tháng lao động tại Trung Quốc, tôi nhận thấy quyết định xuất cảnh là sai lầm. Với thời gian lao động từ 12 - 14 tiếng/ngày, nhiều hôm còn phải làm đêm mà chế độ ăn, ở không đảm bảo, đi làm 6 tháng nhưng chỉ nhận lương 3 tháng. Ra đi tay trắng, ra về cũng trắng tay, tôi sẽ không bao giờ nghĩ tới việc xuất cảnh đi làm thuê thêm 1 lần nào nữa.

Trước tình hình gia tăng xuất cảnh trái phép, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân, họp bản để vận động, phòng ngừa; phối hợp với các tỉnh có đường biên giới của Trung Quốc, Lào để ngăn chặn người dân xuất cảnh trái phép. Năm 2017, Công an tỉnh tổ chức 25 đợt tiếp nhận 99 trường hợp xuất cảnh trái phép bị bắt trả về địa phương. Ðại úy Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh) cho biết: Ðến nay, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép đạt hiệu quả không cao. Bởi, tỉnh ta có đường biên giới dài, nhiều đường tiểu ngạch trong khi lực lượng chức năng mỏng. Thời gian tới, để hạn chế và tiến tới ngăn chặn hiệu quả tình trạng này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm. Các sở: Ngoại vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Hội đàm với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bàn về vấn đề hợp tác xuất khẩu lao động phổ thông vùng biên giới hai nước, ký kết “Thỏa thuận nguyên tắc về quản lý lao động phổ thông vùng biên giới với Trung Quốc”. Ðồng thời, thực hiện các cơ chế pháp lý nhằm bảo về quyền lợi cho người dân được làm việc hợp pháp.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top