Kiểm toán Nhà nước phát hiện hơn 57.000 công chức, viên chức thừa

09:46 - Thứ Ba, 16/01/2018 Lượt xem: 8874 In bài viết
Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 257 cuộc kiểm toán trong năm 2017, trong đó riêng về công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, cơ quan chức năng đã phát hiện 57.175 người... thừa.

Đây là con số vừa được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết ngày 15-1. Chưa nói cụ thể về kết quả trên, nhưng đại diện cơ quan này cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý.

 

Ảnh minh họa.

Nói thêm về công tác kiểm toán năm qua, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho hay, toàn ngành đã xử lý tài chính 43.660 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng. Con số này tăng 12,5% so với năm 2016 (năm 2016 là 38.776 tỷ đồng). 

Qua kiểm toán, cơ quan chức năng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí. 

Qua công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước khi cổ phần hóa tại 6 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị tăng thêm vốn Nhà nước là 8.688 tỷ đồng, xác định các khoản phải nộp ngân sách tăng thêm trên 504 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc và đang chỉ đạo củng cố hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trước đó, hồi tháng 12-2017, phía Kiểm toán Nhà nước cũng đã công bố kế hoạch kiểm toán năm 2018, trong đó danh sách kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước có nhắc tới 33 tập đoàn, tổng công ty.

Những ông lớn có thể kể tới trong danh sách trên là: Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,… Kế hoạch của ngành kiểm toán cũng nhắc tới một số ngân hàng là: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần xăng dầu Petrolimex (PGBank).

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top