Nâng cao chất lượng cải cách tư pháp

09:29 - Thứ Tư, 17/01/2018 Lượt xem: 9316 In bài viết
ĐBP - Năm 2017, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng cải cách tư pháp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp. Trong đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy các nhiệm vụ về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Từ đó, công tác chỉ đạo phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm, tội phạm được đẩy mạnh; chất lượng các hoạt động bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2017, lực lượng Công an đã thụ lý điều tra 1.014 vụ, 1.317 bị can; kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 777 vụ, 1.038 bị can; tiếp nhận và giải quyết 371 tố giác, tin báo về tội phạm. 

 

Cán bộ tư pháp xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được thực hiện đúng quy định. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, chủ động nắm, kiểm sát việc thụ lý 1.079 vụ với 1.369 bị can, giải quyết 929 vụ, 1.197 bị can; phân công kiểm sát viên xử lý, giải quyết 367 tố giác, tin báo (đạt tỷ lệ 93,4%). Trong đó, khởi tố hình sự 161 tin; tham gia lấy lời khai, hỏi cung, phúc cung trước khi phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra. Tòa án Nhân dân 2 cấp chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giải quyết, xét xử 2.294 vụ; xét xử lưu động 119 phiên tòa, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao tính răn đe tội phạm. Ðồng thời, thực hiện các chuyên đề quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động về số liệu, thường xuyên kiểm tra và định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chuyên đề. Qua đó tìm ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời để từng bước nâng cao chất lượng xét xử, xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ðặc biệt, nhằm khắc phục oan sai, lấy lại niềm tin của nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với các thành viên gia đình bà Ðặng Thị Nga, khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo - những người bị kết án oan trong vụ án giết người xảy ra 28 năm trước.

Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật được các cấp, ngành quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.787 tổ hòa giải ở cơ sở với 9.019 hòa giải viên. Trong đó 8/10 huyện, thị xã, thành phố đã củng cố, kiện toàn được 1.195 tổ và 5.732 hòa giải viên; số hòa giải viên được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn là 2.117 người. Qua đó góp phần giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top