Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên

3 lần bị “tuýt còi” vẫn cố tình sai phạm

08:22 - Thứ Năm, 18/01/2018 Lượt xem: 8131 In bài viết
ĐBP - Nhiều lần bị yêu cầu tạm dừng các hoạt động do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý và đánh giá tác động môi trường nhưng Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên (bản Pá Hẹ, xã Hẹ Muông, huyện Ðiện Biên) vẫn cố tình phớt lờ và làm trái quy định. Hậu quả để lại cho đến hiện tại là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái suối Nậm Núa và làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân sống quanh khu vực nhà máy.

Cam kết rồi… để đấy

Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông theo Quyết định số 189/QÐ-UBND ngày 15/3/2017 (sau đây gọi là QÐ 189). Nhà máy có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, quy mô công suất hoạt động 80 tấn sản phẩm/ngày, diện tích mặt đất sử dụng 20.000m2. Một số điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án được ghi rõ tại Quyết định là: Nhà đầu tư phải sử dụng quy trình công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất và đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam, chỉ được triển khai dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và các quy định về đất đai, xây dựng theo pháp luật hiện hành.

 

Nơi chứa chất thải chưa qua xử lý của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn, Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên chỉ là ao đất tạm bợ bên dòng suối Nậm Núa.

Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên đã đăng ký kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án, quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 và các thủ tục đất đai theo quy định. Mặc dù vậy, Công ty vẫn tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất, san ủi mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng, nhà xưởng. Trước vấn đề đó, ngày 17/7/2017, Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc thực hiện thủ tục môi trường đối với dự án trên. Bà Trần Thị Thanh Phượng, Chi cục trưởng Chi cục BVMT, cho biết: Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã đề nghị chủ dự án tạm dừng ngay các hoạt động triển khai xây dựng; thực hiện đúng theo yêu cầu của UBND tỉnh tại QÐ 189. Khi đó, đại diện Công ty là ông Ðinh Văn Toản, Giám đốc nhà máy đã cam kết sẽ khẩn trương thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án và hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch, đất đai, xây dựng theo đúng quy định. Ðến ngày 23/10/2017, Công ty vẫn không thực hiện cam kết, Chi cục BVMT một lần nữa phối hợp với Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) tiến hành kiểm tra tại Công ty, yêu cầu tạm dừng các hoạt động và lại được đại diện Công ty cam kết như lần kiểm tra trước đó.

Sau 2 lần “hứa hẹn” trên, Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên vẫn tiếp tục phớt lờ mọi quy định, thậm chí đến nay đã xây dựng xong khoảng 95% khối lượng các hạng mục nhà máy và vận hành thử nghiệm từ ngày 1/1/2018. Nhận được phản ánh của nhân dân, ngày 11/1 mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Chi cục BVMT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên cùng UBND xã Hẹ Muông tiến hành kiểm tra đột xuất. Tại đây, đoàn công tác phát hiện Công ty chưa hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, mà dồn ra 2 ao chứa rồi xả trực tiếp ra suối Nậm Núa, làm nước suối đổi màu, ô nhiễm nguồn nước. Ngay tại buổi kiểm tra, đoàn công tác đã đình chỉ tạm thời hoạt động của nhà máy, yêu cầu dừng ngay việc xả thải trực tiếp ra môi trường và được Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty - ông Ðỗ Dũng nhất trí, cam kết thực hiện. Nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó mà Công ty “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục cố tình làm trái quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

“Quá tam ba bận” và hậu quả để lại

Sáng ngày 15/1, mọi sự quan tâm người dân xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) đổ dồn về dòng Nậm Núa chảy qua địa phận xã, bởi lòng suối chuyển màu xám đục, bốc mùi hôi thối, cá chết nổi trắng mặt nước. Trên đoạn suối dài hơn 10km vẫn phát hiện cá chết, có trên 100 người dân các bản trong xã và khu vực lân cận tham gia vớt cá trôi trên mặt nước suốt từ hơn 6 giờ sáng đến quá trưa vẫn chưa ngớt. Riêng tại đoạn suối chảy qua bản Ten Núa, ghi nhận từ 9 giờ 30 phút đến 10 giờ sáng có hơn 50 người dân tập trung vớt cá, trung bình mỗi người vớt được hơn 10kg cá các loại. Ông Lò Văn Triển, bản Ten Núa, xã Núa Ngam, cho biết: “Sáng sớm người dân trong bản đi làm thì phát hiện nước suối có vấn đề, cá nổi đầy mặt nước mới gọi nhau đi vớt. Có rất nhiều loại cá, nào là chép, rô, bống, gai… với kích cỡ to, nhỏ đủ cả. Ða số cá bé đều đã chết, cá to thì lờ đờ, trôi chậm trên mặt nước. Riêng tôi đã vớt được hơn 10kg cá, có người còn vớt được đến 20kg. Những cụ già trong bản đều bảo cũng chưa từng chứng kiến việc như vậy xảy ra”.

 

Người dân xã Núa Ngam vớt cá chết, trôi theo dòng suối chảy qua địa bàn.

Nhận được thông tin, ngay trong buổi sáng 15/1, đoàn công tác của các cơ quan chức năng tỉnh, huyện Ðiện Biên và xã Hẹ Muông, xã Núa Ngam đã đi thực địa và làm việc với Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên. Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty vẫn cố tình vận hành và xả thải ra môi trường dù đã bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhà máy thuộc địa phận xã Hẹ Muông nhưng tiếp giáp và nằm đầu nguồn nước xã Núa Ngam, vì vậy đoạn suối này chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước thải. Có mặt tại hiện trường, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên, cho biết: “Theo quy trình kỹ thuật, nước thải phải qua hệ thống xử lý biogas và các bể chứa, lắng, lọc mới được xả ra môi trường nhưng hiện tại nhà máy thực hiện không đúng quy trình, tự ý đào những hố đất giáp bờ suối Nậm Núa và hoạt động vào ban đêm, chất thải vượt quá giới hạn nên gây sự cố vỡ bờ chứa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường khu vực. Ðoàn công tác đã cương quyết yêu cầu phía Công ty dừng hoạt động ngay lập tức. UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan cấp tỉnh và các xã tăng cường giám sát hoạt động của nhà máy”. Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cung cấp thêm: “Phòng đã lấy mẫu phân tích nước thải tại nhiều vị trí nhằm xác định mức độ ô nhiễm. Căn cứ kết quả kiểm tra để xác định sai phạm của Công ty. Qua đó sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết hình sự theo đúng quy định của pháp luật”.

Về vấn đề xử lý cá chết, từ buổi kiểm tra ngày 11/1, UBND xã Núa Ngam đã chỉ đạo các trưởng bản thông tin đến người dân không chế biến cá nhiễm độc vớt được trên đoạn suối chảy qua địa bàn làm thức ăn. Sau sự việc ngày 15/1, UBND xã tiếp tục tích cực tuyên truyền bà con không ăn, bán ra thị trường số cá đã vớt được, đề phòng ngộ độc thực phẩm. Suối Nậm Núa còn là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn, xã cũng khuyến cáo bà con tạm thời không tắm, giặt bằng nước suối để bảo vệ sức khỏe; hạn chế lấy nước suối vào ao, ruộng hoặc tưới cây để đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây, con.

Thời gian qua, vấn đề tạo điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường rất được quan tâm trên địa bàn tỉnh ta. Các vụ việc về sản xuất, chế biến dong riềng, cà phê tại địa bàn huyện Ðiện Biên và Mường Ảng gây ô nhiễm hệ sinh thái, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đã được báo chí phản ánh và các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Mặc dù đã có những “bài học” rất mới và rất gần nhưng Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên vẫn cố tình vi phạm. Mặc dù sự việc đã được phát giác kịp thời và xử lý bước đầu nhưng cũng gióng thêm hồi chuông cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về việc luôn phải quản lý, giám sát chặt chẽ, xử lý mạnh tay với các đơn vị sai phạm trên tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top