Phát huy vai trò mô hình “dòng họ bình yên”

09:02 - Thứ Năm, 18/01/2018 Lượt xem: 9051 In bài viết
ĐBP - Cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ hơn 130km về phía bắc, với khoảng 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, Tủa Chùa là nơi mô hình “Dòng họ bình yên” khởi nguồn và lan rộng, tạo thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Mô hình dòng họ bình yên đã và đang phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp trong việc đưa người lầm lỡ trở về hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, trở thành “điểm sáng” trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sáng chớm đông, chúng tôi đến xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) thăm dòng họ Giàng. Bên chén nước chè, anh Giàng A Páo - Trưởng dòng họ Giàng kể cho chúng tôi nghe về sự phát triển thăng trầm của dòng họ. Dòng họ Giàng được hình thành và duy trì tại xã Xá Nhè và Mường Ðun, với 41 hộ, 241 khẩu, các thành viên trong dòng họ chủ yếu làm nghề nông. Ðời sống nơi đây tuy còn nhiều khó khăn, nhưng người dân luôn chăm lo sản xuất phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

 

Cán bộ, chiến sĩ công an và người dân vui trong hội khèn.

Có mặt tại một buổi họp dòng họ Giàng, chúng tôi thấy ai cũng háo hức, hồ hởi bởi được đón cán bộ Công an huyện đến tuyên truyền chủ trương, đường lối, pháp luật của Ðảng, Nhà nước. Bên cạnh việc tuyên truyền, định hướng cho các thành viên trong dòng họ Giàng đoàn kết, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cán bộ, chiến sĩ còn thông tin về tình hình tội phạm, nhất là thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người... để dân nâng cao cảnh giác, đấu tranh tố giác tội phạm, vận động con cháu không vi phạm pháp luật. Trong mỗi buổi họp, Trưởng dòng họ sẽ đánh giá công việc của cả dòng họ trong thời gian qua và bàn bạc, thống nhất đưa ra các phương án sản xuất, kinh doanh, giúp các hộ xóa đói giảm nghèo, khen thưởng các hộ gia đình tiêu biểu trong lao động sản xuất, hộ có con cháu học giỏi; vận động, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật hoàn lương quay trở về với cuộc sống cộng đồng.

Theo chia sẻ của anh Giàng A Páo, chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Tùng ở bản Hẹ 2, xã Xá Nhè, là một thành viên trong dòng họ Giàng. Năm 2011, do không làm chủ được vì anh Tùng bị tòa án tuyên phạt 7 năm tù giam. Vào trại, anh nhận thức được lỗi lầm của mình, tích cực cải tạo, năm 2015 anh được tha tù trước thời hạn. Trở về quê hương, vì mặc cảm tội lỗi sống khép mình, không giao tiếp với ai. Biết được điều đó, anh Giàng A Páo cùng các thành viên trong dòng họ thường xuyên đến động viên, chia sẻ, giúp đỡ anh Tùng làm lại cuộc đời, hòa nhập cộng đồng. Ngoài được vay vốn Quỹ hoàn lương, anh Tùng còn nhận được sự hỗ trợ tích cực trong dòng họ. Nhà nào có điều kiện thì ủng hộ anh 500, 1 triệu, nhà nào khó khăn hơn thì 100, 200 nghìn đồng. Từ số tiền mọi người giúp đỡ, anh mua trâu, dê, cá giống... cộng với ý chí vươn lên thoát nghèo, đến nay kinh tế gia đình đã khá hơn. Sự cảm thông, chia sẻ, của những thành viên trong dòng họ đã giúp anh Tùng xua tan mặc cảm, có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm lại cuộc đời.

Qua 10 năm xây dựng và củng cố, hiện nay, toàn huyện có 122 dòng họ. Trong đó, tiêu biểu là các dòng họ: Giàng, Sùng, Thào, Mùa, Hờ, Vừ, Ðiêu, Lò, Mào... Các dòng họ đều nhận thức được việc cần thiết xoá bỏ các hủ tục. Ðể có được sự bình yên cho mỗi thôn bản, mô hình “ Dòng họ bình yên” đã phát huy được vai trò nòng cốt, các dòng họ đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, mỗi năm người dân cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Ðặc biệt, đến nay, Công an huyện Tủa Chùa đã vận động được 95 trưởng dòng họ, người có uy tín và thành lập các đội tự quản an ninh trật tự tại cơ sở. Ðây là những hạt nhân nòng cốt có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bài, ảnh: Trường Long
Bình luận
Back To Top