Tăng cường quản lý hoạt động internet và trò chơi điện tử công cộng

08:17 - Thứ Tư, 31/01/2018 Lượt xem: 10545 In bài viết
ĐBP - Lợi ích của dịch vụ internet trên thực tế là không thể phủ nhận, tuy nhiên mặt trái của nó cũng đã tác động tiêu cực không nhỏ đến đời sống xã hội, như: Người sử dụng truy cập những trang web không lành mạnh, phổ biến thông tin sai sự thật, game bạo lực, bỏ bê công việc học hành vì nghiện game... Để đảm bảo an ninh mạng và các hoạt động trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua các đơn vị chức năng đã tăng cường kiểm tra kiểm soát.

Chị Nguyễn Thị Lan, tổ 2, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ có cậu con trai đang học cấp II. Cháu có biểu hiện “nghiện” game và gia đình thường xuyên nhận được thông báo của cô giáo về việc cháu trốn học. Mỗi lần như vậy chị phải bỏ công việc đi tìm và lần nào cũng gặp con say sưa với các trò chơi điện tử tại quán game online. Mặc dù đã khuyên răn, nhắc nhở con, thậm chí dùng cả biện pháp mạnh nhưng cũng chỉ được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Nhiều đêm cháu còn trốn bố mẹ, trèo cổng ra ngoài chơi điện tử. Không riêng gia đình chị Lan mà nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi học sinh cũng chung tâm lý hoang mang vì nhiều trẻ chểnh mảng học hành, say sưa với các trò chơi online, thậm chí còn lấy trộm tiền cha mẹ để đi chơi…

 

Một điểm truy cập internet và trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (ảnh chụp lúc 22 giờ 26 phút, ngày 30/1).

Trong vai khách chơi điện tử, chúng tôi có cuộc khảo sát một số điểm cung cấp dịch vụ internet và trò chơi điện tử công cộng tại tổ dân phố 20 và 30, phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ). Theo quy định của pháp luật, các điểm cung cấp dịch vụ internet chỉ được hoạt động từ 8 – 22 giờ, nhưng hầu hết máy tính của các điểm cung cấp dịch vụ này đều khá đông khách, mặc dù đã quá 22 giờ. Nhiều khách hàng vẫn say sưa với những trò chơi điện tử có tính bạo lực cao, trong số đó không ít khách hàng là học sinh. Không chỉ ban đêm, vào các thời điểm trong giờ học, ghi nhận tại nhiều quán internet vẫn đông các đối tượng học sinh say sưa với trò chơi điện tử  kèm theo hò hét, văng tục, chửi thề…

Thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 221 điểm truy cập Internet, dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được cấp phép hoạt động. Công tác quản lý loại hình dịch vụ này đã bộc lộ nhiều bất cập và khó khăn. Những hạn chế trong các chế tài xử ký khiến công tác kiểm tra mới dừng lại ở tuyên truyền nhắc nhở.

Bà Mai Thị Hường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Điện Biên Phủ, cho biết: Hiện tại trên địa bàn thành phố chưa có trường hợp đáng tiếc xảy ra, như: Gây gổ đánh nhau, tổ chức đánh bạc, cá cược, hút chích… tại các quán cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Tuy nhiên, để đảm bảo các vấn đề về an ninh trật tự, trong năm qua Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, qua đó phát hiện 4 cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, trong đó 2 cơ sở không đảm bảo về khoảng cách theo quy định; đội kiểm tra đã lập biên bản và ra hạn trong thời gian 30 ngày cơ sở đó phải chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc chuyển địa điểm kinh doanh, nếu quá hạn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật; lập biên bản 2 cơ sở và yêu cầu trong 10 ngày phải hoàn tất các thủ tục đủ điều kiện hoạt động… Vấn đề khó khăn nhất trong công tác kiểm tra kiểm soát các hoạt động này là các đối tượng tham gia chơi điện tử tại các quán game không khai báo tuổi thật của mình, do đó không loại trừ khả năng nhiều khách hàng đặc biệt là lứa tuổi học sinh chưa đủ tuổi chơi các trò chơi mà nhà cung cấp quy định nhưng lại khai tăng tuổi lên để được tham gia.

Ông Vũ Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Qua kiểm tra, phần lớn các lỗi vi phạm được phát hiện, cũng đều là hoạt động quá giờ quy định, không có nội quy sử dụng dịch vụ internet; địa điểm kinh doanh không đủ ánh sáng, diện tích; trang thiết bị phòng cháy chữa cháy không đảm bảo… Qua đó, lực lượng chức năng đều đã nhắc nhở, tuyên truyền nâng cao ý thức của các chủ cửa hàng, đồng thời hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Theo ông Dũng, để hoạt động và quản lý dịch vụ internet, trò chơi điện tử công cộng đạt hiệu quả cao, cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía các gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con em mình sử dịch vụ này một cách hợp lý, văn minh; thời gian tới Sở sẽ tăng cường chỉ đạo các Phòng văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ này ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đặc biệt là thường xuyên phối hợp với các tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top