Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp tết nguyên đán

08:51 - Thứ Tư, 31/01/2018 Lượt xem: 10736 In bài viết
ĐBP - Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân năm 2018 đang đến gần nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, bánh, kẹo và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống… tăng mạnh. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo (BCÐ) liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo cho người dân đón tết, vui xuân an toàn.

 

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ).

Với mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018, BCÐ liên ngành VSATTP tỉnh chỉ đạo các BCÐ các cấp huy động các cơ quan, ban ngành đoàn thể tích cực tham gia chiến dịch truyền thông về kinh doanh thực phẩm theo quy định pháp luật, quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về VSATTP trong dịp Tết, lễ hội; làm rõ vai trò trách nhiệm của UBND các cấp, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng ATVSTP theo quy định hiện hành; tập trung tuyên truyền tới đông đảo người dân nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm tại địa phương, như: Nấm độc, rượu, các loại cây quả rừng, các loại bánh… và các sản phẩm truyền thống ở địa phương có nguy cơ ngộ độc cao. Cùng với đó, BCÐ thành lập các đoàn thanh, kiểm tra giám sát công tác đảm bảo ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết, lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các sản phẩm địa phương và trên các địa bàn có giao lưu mua bán lớn.

Tại tuyến tỉnh, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục ATVSTP, Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý, phúc tra một số cơ sở và công tác quản lý ở tuyến dưới. Tại tuyến huyện, xã, BCÐ VSATTP các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng y tế chủ trì, phối hợp với trung tâm y tế và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra VSATTP trên địa bàn; chỉ đạo BCÐ liên ngành VSATTP các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống, đặc biệt là cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Hoạt động thanh, kiểm tra phải bảo đảm thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, không chồng chéo giữa các ngành, các cấp. Ðồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết, góp phần làm tốt công tác bảo đảm ATVSTP, vì sức khỏe người dân.

Không chỉ tập trung tại các chợ trung tâm, chợ đầu mối, các cửa hàng kinh doanh lớn… các địa phương, đặc biệt là BCÐ VSATTP cấp xã cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm tại các chợ nông thôn trên địa bàn. Bà Lò Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Ðiện Biên, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 chợ tạm với khoảng hơn 10 hộ kinh doanh thường xuyên. Các mặt hàng chủ yếu là thịt, cá, nông sản sẵn có tại địa phương… Cùng với các lực lượng chức năng, BCÐ VSATTP xã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vào đợt cao điểm cuối năm. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, BCÐ xã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không có trường hợp nể nang… Ngoài ra, BCÐ xã đẩy mạnh tuyên truyền về VSATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; cách lựa chọn những sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… thông qua các đoàn thể xã và đội ngũ trưởng bản. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền với các hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhà hàng phải nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc chung tay đảm bảo VSATTP.

Bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành, lực lượng chức năng thì chính người dân là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018. Mỗi người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn các thực phẩm an toàn, kiên quyết nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm tại các cơ sở không đảm bảo vệ sinh, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng… Người dân cũng không nên tích trữ, chế biến sẵn quá nhiều thực phẩm, đồ ăn trong ngày tết để tránh sử dụng thực phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng. Ðối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo quy định, tạo dựng uy tín, niềm tin với người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top