Từ nghị quyết đến hành động

08:51 - Thứ Năm, 01/02/2018 Lượt xem: 8335 In bài viết
ĐBP - Ðứng trước những khó khăn trong tình hình mới, Chi bộ Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng đã xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề về Nâng cao chất lượng hoạt động chiếu bóng lưu động trong giai đoạn hiện nay với những giải pháp phù hợp thực tiễn, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực…

Ðồng chí Dương Thị Thanh, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh, cho biết: Hoạt động chiếu bóng lưu động là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí cho nhân dân mà còn là hình thức phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Ðảng, Nhà nước, pháp luật và các nhiệm vụ chính trị một cách trực tiếp, hiệu quả. Từ thực tiễn cho thấy, những năm trở lại đây công tác phát hành, phổ biến phim gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn phim ít, một số phim cung cấp theo luồng chưa phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người dân tỉnh nhà; trình độ chuyên môn, đời sống cán bộ, viên chức còn nhiều khó khăn, địa bàn hoạt động rộng, phức tạp, chế độ chính sách để thu hút, khuyến khích động viên người lao động tới vùng khó khăn còn nhiều bất cập… đang trở thành thách thức đối với công tác chiếu bóng lưu động hiện nay. Do đó, chiếu bóng lưu động chưa thu hút được đông đảo nhân dân các dân tộc, số lượng người xem phim còn ít dẫn đến hiệu quả công tác chiếu bóng lưu động chưa cao. 

 

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tổ chức chiếu phim phục vụ thiếu nhi Làng trẻ SOS Ðiện Biên Phủ.

Nhìn nhận một cách khách quan, nguyên nhân dẫn đến hiệu quả chiếu bóng lưu động chưa cao còn do công tác tuyên truyền thu hút khán giả chưa được coi trọng, nội dung còn đơn giản. Các đội hầu hết đều có cán bộ là người dân tộc nhưng lại không phát huy được lợi thế trong việc sử dụng tiếng nói của dân tộc mình để tuyên truyền, nhiều cán bộ còn dè dặt, thiếu tự tin. Một số cán bộ viên chức chưa sử dụng thành thạo, thuần thục các kỹ năng vận hành các thiết bị hiện có; coi nhẹ việc bảo quản, vệ sinh để kéo dài tuổi thọ thiết bị… Ðồng thời, công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo đơn vị chưa thực sự sát sao, chủ yếu đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu số buổi chiếu, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng phục vụ, hiệu quả của công tác chiếu bóng lưu động. Việc lồng tiếng thuyết minh phim phục vụ cơ sở còn ít…

Trước những khó khăn, thách thức đó, Chi bộ Trung tâm đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình hoạt động chiếu bóng lưu động hiện nay để đưa ra những giải pháp thiết thực với quyết tâm nâng cao chất lượng chiếu bóng lưu động. Ðối tượng đầu tiên chi bộ hướng tới là đội ngũ cán bộ đảng viên, viên chức cần nhận thức đúng đắn về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng, để từ đó đổi mới tư duy, tăng cường trách nhiệm, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực tham mưu theo chức năng nhiệm vụ, nâng cao phong cách, chất lượng phục vụ để thu hút khán giả. Ðồng thời, lấy cơ sở xã bản vùng sâu vùng xa, vùng cao, biên giới, nhất là những vùng giao thông đi lại khó khăn, các phương tiện thông tin khác chưa đến đươc, sóng phát thanh truyền hình chưa được phủ sóng làm điểm chiếu phục vụ. Tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả cả về số lượng và nội dung buổi chiếu để thu hút ngày càng đông đảo đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, dân tộc thiểu số tới xem phim.

Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên liên hệ với Cục Ðiện ảnh, phối hợp liên kết chặt chẽ với một số ngành chức năng để cung cấp tư liệu tuyên truyền; phối hợp với trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh phía Bắc và các đơn vị cung cấp phim để khai thác, trao đổi nguồn phim đảm bảo đủ cung cấp cho các đội hoạt động. Nguồn phim đảm bảo đa dạng, phong phú về thể loại, có nội dung phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán, nhu cầu thị hiếu của đối tượng phục vụ nhưng vẫn phải giữ được định hướng trong công tác tuyên truyền và bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở phim khai thác được, Trung tâm tập hợp, phận loại và thiết lập lại đảm bảo thuận lợi và hướng dẫn cho các đội khai thác nguồn phim phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, dân tộc, sự kiện chính chính trị mà các đội có sự điều chỉnh về nội dung, chương trình, mục đích tuyên truyền, đảm báo hiệu quả trong mỗi buổi chiếu. Trung tâm cũng chủ động về nguồn phim khi nghiên cứu phương thức, phối hợp chặt chẽ với các đội chiếu bóng lưu động để cung cấp tư liệu xây dựng các phim tư liệu ngắn về các hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội truyền thống, gương già làng trưởng bản, người tốt việc tốt, gương làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong dòng họ…; nhiều phim được lồng 2 thứ tiếng Thái, Mông để chiếu phục vụ, đáp ứng tâm lý và thu hút nhân dân tới xem. Ngoài ra, 8 đội chiếu bóng lưu động thường xuyên báo cáo kết quả bằng hình ảnh số lượng người xem phim tại các điểm chiếu thông qua các thiết bị được cung cấp để Trung tâm giám sát kết quả hoạt động của các đội; đồng thời báo cáo bằng hình ảnh đối với chính quyền xã nơi đặt điểm chiếu. Căn cứ hình ảnh các đội gửi về, Trung tâm cập nhật thường xuyên, đội nào kết quả chiếu không đạt yêu cầu kịp thời có giải pháp, đôn đốc, lấy đó làm căn cứ bình xét thi đua khen thưởng.

Qua gần 1 năm thực hiện, công tác chiếu bóng lưu động đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, Trung tâm duy trì 1.400 buổi chiếu phim phục vụ tại các điểm thuộc các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, 160 buổi chiếu phim có thu, phục vụ trên 453,71 ngàn lượt người xem. Mức hưởng thụ chiếu bóng của nhân dân đạt 0,8 lượt/người/năm. Những con số đó một lần nữa cho thấy sự đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng đã xây dựng nghị quyết, cụ thể hóa bằng những hành động phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top