Góc nhìn nhà báo

Ý thức nửa vời

09:10 - Thứ Năm, 01/02/2018 Lượt xem: 8287 In bài viết
ĐBP - Cuối chiều, đến trường mầm non để đón con thì thấy các cô giáo đang tổ chức cho các con tham gia trò chơi giao thông. Trên sân trường có kẻ vạch màu thành một khu vực ngã tư đường phố có đèn tín hiệu giao thông, làn đường ô tô, vạch dừng trước đèn tín hiệu giao thông, vạch cho người đi bộ sang đường... Các con hăng say vui chơi dưới sự hướng dẫn của cô giáo, trong tiếng hát thiếu nhi rộn rã: “Trên sân trường chúng em chơi giao thông//Ði vòng quanh qua ngã tư đường phố//Ðèn bật lên màu đỏ thì em dừng lại//Ðèn bật lên màu xanh em nhanh qua đường.”

Như vậy, việc giáo dục chấp hành quy định về an toàn giao thông nói chung, chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông nói riêng ở nước ta đã được đưa vào môi trường học đường từ bậc mầm non. Ngắm các con “học mà chơi - chơi mà học”, chợt nghĩ về việc người lớn làm hàng ngày khi tham gia giao thông mà thấy... xấu hổ! Bởi trẻ thơ được dạy dỗ như vậy, nhưng một số người lớn (trong đó có những phụ huynh đến đón con cũng được xem bài học của các con tại sân trường) lại có ý thức chấp hành tín hiệu đèn giao thông chưa nghiêm. 

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua phần lớn người tham gia giao thông đã tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ. Nói “phần lớn” chứ không phải tất cả vì vẫn còn một “phần nhỏ” chưa nghiêm túc thực hiện. Hiện nay tình trạng vượt đèn đỏ còn rất ít, chỉ diễn ra vào thời điểm giữa trưa vắng người hoặc lúc trời mưa (đặc biệt là lúc sắp mưa vì một số người có xu hướng... chạy mưa). Song tình trạng khá phổ biến mà người viết đã nhiều lần “mục sở thị” tại các điểm giao có đèn tín hiệu trên địa bàn thành phố là việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa được phép, nghĩa là đi khi đèn xanh chưa bật. Nghịch lý là người ta đã dừng xe khi có đèn tín hiệu báo đỏ, đã đợi được một khoảng thời gian đèn đỏ nhưng chỉ còn vài giây cuối cùng là đến đèn tín hiệu màu xanh bật thì lại... không chờ được! Phổ biến nhất là khi còn khoảng 3 - 4 giây cuối cùng của đèn tín hiệu màu đỏ, đã có người tăng ga từ từ vượt qua vạch dừng trước đèn tín hiệu, nhiều trường hợp khi đèn xanh bật thì đã có người đi đến giữa ngã tư, ngã ba. Mà không ít trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức - là “người Nhà nước” chứ không phải “người dân”. Bởi chỉ cần nhìn đồng phục công sở là biết ngay họ làm ở ngành nào. Chỉ cần một người đi, là kéo theo một số người khác. “Hội chứng đám đông” này làm cho việc tuân thủ quy định của pháp luật có vẻ phụ thuộc vào... số đông chứ không phải ý thức chủ quan của người tham gia giao thông!

Ðèn tín hiệu có chức năng điều khiển, phân làn nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông tại các ngã ba, ngã tư. Thế nhưng, sẽ phản tác dụng khi người tham gia giao thông luôn chực chờ vượt điểm giao khi vẫn còn đèn đỏ. Trong khi đó, ở chiều ưu tiên đèn xanh vẫn đang bật. Hiện nay, lưu lượng phương tiện trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ chưa nhiều đến mức bị ùn tắc nhưng các hành vi “đi trước” như vậy rất dễ dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông. Một số người viện lý do “đang vội”, “bị muộn giờ”, “có việc gấp”. Song chỉ là ngụy biện bởi họ đã dừng khi có đèn đỏ kia mà, chỉ có điều lại vọt đi khi đèn chưa bật xanh mà thôi. Hành vi này lặp đi lặp lại sẽ trở thành một thói quen xấu trong tham gia giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông gồm nhiều nội dung, trong đó có nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Trẻ em đã được giáo dục về an toàn giao thông từ lớp mầm non. Nhưng người lớn hãy thực hiện nghiêm để làm gương cho con trẻ. Thực ra, những trường hợp “đi trước”, “vượt trước” hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông kể trên không phải do họ thiếu ý thức mà thực hiện chưa nghiêm. Vì văn hóa giao thông thì đừng để diễn ra tình trạng “ý thức nửa vời” như thế nữa!

Duy Bình
Bình luận
Back To Top