Thầm lặng đưa văn hóa về cơ sở

16:57 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 9102 In bài viết
ĐBP - Có dịp cùng các đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về những xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh chiếu phim phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, như: Giải phóng miền Nam (30/4); Quốc tế Lao động (1/5); Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5)… mới thấy bà con vẫn háo hức chờ đón xem phim và chia sẻ công việc khó khăn, vất vả với những người làm công tác chiếu bóng lưu động như thế nào. Chúng tôi cùng 3 thành viên của Ðội chiếu bóng lưu động số 8, phụ trách địa bàn huyện Nậm Pồ, về bản Huổi Thủng 3, xã Na Cô Sa để phục vụ bà con. Mới cuối buổi chiều, tiếng loa phát thanh của đội chiếu bóng đã phát đi chương trình chiếu phim buổi tối, khiến người người, nhà nhà nhanh tay sắp xếp, bố trí công việc cũng như ăn bữa tối sớm hơn mọi ngày để kịp xem chương trình chiếu phim vào lúc 19 giờ 30 phút. Trong các cuộc trò chuyện, người dân chỉ trao đổi với nhau về đề tài tối nay chiếu phim gì và nội dung như thế nào.

Anh Sùng A Mang, bản Huổi Thủng 3, xã Na Cô Sa, cho biết: “Ðối với bà con vùng sâu, vùng xa như chúng tôi, ít được tiếp cận với các nguồn văn hóa, thông tin. Hôm nay đoàn về chiếu phim, chúng tôi rất phấn khởi. Mong rằng, đoàn tiếp tục tổ chức nhiều chương trình chiếu phim hơn nữa để đưa thông tin đến với bà con”. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ văn hóa xã Na Cô Sa, cho biết: “Việc đoàn chiếu phim lưu động đến với bà con các bản đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp người dân mở mang kiến thức. Bởi vậy, các buổi chiếu phim như thế này có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa văn hóa về cơ sở”.

 

Đội chiếu bóng lưu động số 7 phục vụ chiếu phim tại bản Pá Mỳ 1, xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé.

Biết rằng, đối với bà con ở vùng sâu, vùng xa, khi mà điều kiện kinh tế còn nghèo nàn, bữa no bữa đói thì phim ảnh là một thứ vẫn còn hết sức xa vời. Chính vì vậy, những người làm công tác chiếu bóng càng có thêm quyết tâm và động lực. Ðã nhiều năm gắn bó với nghề, gắn bó với bà con nghèo khó, gắn bó với những cung đường hiểm trở, khó đi, đến nay người nhiều tuổi nhất trong đội giờ cũng đã chuẩn bị nghỉ hưu, người nhỏ tuổi nhất cũng đã được vài năm công tác; nhưng tất cả các anh vẫn chung mục đích đó là không để bà con phải “đói” văn hóa, “đói” thông tin. Anh Phạm Quang Thuấn, phụ trách Ðội chiếu bóng số 7 tại huyện Mường Nhé đã có gần 20 năm gắn bó với nghề. Bây giờ, anh không nhớ hết được bao nhiêu lần đi chiếu bóng ở vùng cao. Chỉ biết rằng, anh biết nhiều thế hệ trưởng bản, bí thư chi bộ; bà con thuộc tên, tuổi, quý mến, đón tiếp các anh như người thân trong gia đình ở xa mới về. Chỉ có sự tâm huyết cùng lòng tin yêu của bà con mới giúp các anh vượt qua mọi khó khăn, vất vả của nghề. Anh Phạm Quang Thuấn, chia sẻ: “Mường Nhé là huyện khó khăn, đời sống bà con còn nhiều vất vả; giao thông đi lại thuộc bậc khó khăn nhất tỉnh. Tuy nhọc nhằn, nhưng được góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, những người làm nghề như chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào hơn. Mỗi khi đến phục vụ chiếu bóng, thấy bà con hồ hởi, vui mừng, đón nhận bằng tình cảm chân thành là mọi mệt nhọc dường như tan biến hết. Ở những nơi đó, bà con vẫn rất cần những bộ phim có tính giáo dục cao, những phóng sự có ý nghĩa thiết thực để nâng cao hiểu biết, phòng tránh được những tệ nạn xã hội…”.

Bà Dương Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng cho biết: Hiện trung tâm có 8 đội chiếu bóng lưu động trên địa bàn 8/10 huyện, thị (trừ TP. Ðiện Biên Phủ và TX. Mường Lay). Những năm qua, đơn vị xác định mục tiêu là phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng chiếu bóng lưu động vùng cao. Tại mỗi điểm chiếu, cán bộ đơn vị kết hợp tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng (tiếng phổ thông, tiếng Thái, tiếng Mông). Các buổi chiếu phim được sắp xếp thành chương trình, gồm: ca nhạc, phim phóng sự tài liệu, phim hoạt hình thiếu nhi, phim truyện. Ðội chiếu bóng lựa chọn những bộ phim phóng sự, tài liệu đưa vào chiếu trước chương trình phim chính để nhằm chuyển tải chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, kiến thức về bảo vệ môi trường; bảo vệ rừng; phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS; kế hoạch hoá gia đình; an toàn giao thông; xóa đói giảm nghèo… đến các chuyên mục khuyến nông, khuyến lâm, giữ gìn bản sắc dân tộc, được bà con nhiệt tình đón nhận. Trong năm 2017, các đội chiếu bóng của Trung tâm đã tổ chức được 1.400 buổi chiếu phim, tại 713 điểm của 102 xã, với hơn 433.000 lượt người xem.

Theo bà Dương Thị Thanh, đối với người dân vùng cao ở những nơi đặc biệt khó khăn, xa trung tâm, chưa có điện lưới, thì việc chiếu phim lưu động vẫn là hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top