Góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững

09:17 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 8620 In bài viết
ĐBP - Hỗ trợ sản xuất là giải pháp quan trọng để giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh ta đã cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi… cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo. Từ đó, giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, tạo sự chuyển biến nhanh hơn về thu nhập và đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nhanh và bền vững số hộ nghèo trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, trong 2 năm (2016 và 2017) tỉnh đã triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 16.500 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện hơn 141 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a là hơn 84,3 tỷ đồng và theo Chương trình 135 là hơn 56,7 tỷ đồng. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có hơn 7.000 lượt người được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 70,8 tỷ đồng. Việc triển khai được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, như: Hỗ trợ giống trâu, bò sinh sản của địa phương; hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo nương cố định; thông qua trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (cam Vinh, nhãn, xoài, mít Thái Lan…); giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

 

Cán bộ Khuyến nông xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) cấp phát ngô giống theo Nghị quyết 30a cho hộ nghèo trong xã.

Là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và khó khăn nhất của tỉnh, song nhờ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135; thời gian qua, nhiều hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Nhé đã được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng trong năm 2016, toàn huyện có 2.608 lượt hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí hơn 14,2 tỷ đồng. Năm 2017, huyện được giao hơn 6,9 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (trong đó, Chương trình 135 là 2,86 tỷ đồng và Nghị quyết 30a là gần 4,1 tỷ đồng). Từ nguồn vốn được giao, các xã trên địa bàn đã tổ chức họp bản, bình xét đối tượng thụ hưởng, tiến hành đăng ký và xây dựng phương án hỗ trợ cho người dân. Theo đó, huyện sẽ triển khai hỗ trợ 17 dự án nuôi trâu sinh sản, 5 dự án nuôi bò sinh sản, 1 dự án trồng cây sa nhân dưới tán rừng và 1 dự án trồng cây làm thức ăn cho gia súc.

Nhờ được hỗ trợ một con bò sinh sản để phát triển sản xuất, chăn nuôi theo Nghị quyết 30a, gia đình anh Lò Văn Hương, bản Nà Pán, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đã có điều kiện nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Anh Hương chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò sinh sản, sau gần 2 năm chịu khó chăm sóc, nuôi dưỡng tháng 9 vừa qua, bò mẹ đã sinh bê con. Gia đình tôi rất vui mừng và đang tích cực chăm sóc để cặp bò tiếp tục sinh trưởng, phát triển. Ðây cũng là điều kiện để gia đình tôi được công nhận thoát nghèo trong năm 2017. Ngoài gia đình anh Hương, trong bản Nà Pán còn có 8 hộ nghèo khác cũng được hỗ trợ bò sinh sản trong năm 2015 và 2016, trong đó gia đình chị Khoàng Thị Chính cũng được hưởng niềm vui có thêm bê con. Ðây là điều kiện giúp các hộ nghèo nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, sớm vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Ðánh giá về hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong thời gian qua, ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thông qua các dự án, mô hình đã giúp đối tượng tham gia nắm bắt được kỹ thuật, cách nhận biết và phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thay đổi dần tập quán canh tác, chăn nuôi theo phương thức truyền thống, nhận thức được sự cần thiết phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt, thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất đã giúp hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất theo hướng bền vững, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp hộ nghèo cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững theo đúng mục tiêu chương trình giảm nghèo đã đề ra.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top