Cha Cuông chưa “buông” đói nghèo

08:45 - Thứ Năm, 08/02/2018 Lượt xem: 8731 In bài viết
ĐBP - Cha Cuông là bản của người dân tộc Khơ Mú, thuộc xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng). Cả bản có 88 hộ thì đến 74 hộ thuộc diện nghèo, 3 hộ cận nghèo và một số hộ buộc phải thoát nghèo... Theo lời ông Lường Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở thì mọi chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo triển khai ở đây từ trước đến nay đều chưa mang lại hiệu quả!

Một ngày cận Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi có mặt tại bản Cha Cuông. Từ đầu bản, hai người đàn ông ngồi ôm điếu cày trước một ngôi nhà xây dang dở nhìn chúng tôi với con mắt dò xét, bên cạnh là một thiếu phụ bế con nhỏ, đôi mắt nhìn xa xăm. Trong gian nhà cấp 4 còn nồng mùi vôi vữa, một mâm rượu với bát đũa ngổn ngang. Lúc này mới là 9 giờ, chúng tôi đang ngạc nhiên thì một trong hai người đàn ông cất giọng mời chúng tôi “vào làm chén rượu đã”. Bước lên bậc thềm quan sát, bên trong ngôi nhà trống trải không có một thứ đồ dùng nào giá trị. Tôi hỏi: Sao hôm nay ăn cơm sớm thế? Người phụ nữ bế đứa con đứng dậy bỏ đi và nói: Là ăn sáng đấy, có phải ăn trưa đâu mà sớm! Tiếng điếu cày của người đàn ông lại vang lên, chúng tôi cũng xin phép để tiếp tục vào nhà trưởng bản...

 

Một góc bản Cha Cuông.

Anh bạn dẫn đường cho chúng tôi là một chủ trang trại có mấy héc ta đất ở bản này kể: Từ nhiều năm nay, hầu như các gia đình ở đây luôn trong tình trạng đói nghèo, tuy cơm gạo có thể thiếu nhưng khi đến bữa thì không thể không có rượu! Khi vào gọi đi làm thuê thì họ nhất định không đi với lý do: Tôi là người, anh cũng là người sao tôi lại phải đi “làm thuê” cho anh! Thế nhưng khi đã hiểu con người ở đây thì chỉ cần nói là: Hôm nay nhà tôi có việc muốn nhờ khoảng chục người đi “làm giúp” thì ngay lập tức có cả chục người đi luôn... Thế nhưng đấy là chuyện trước kia, còn bây giờ muốn nhờ họ đi “làm giúp” thì thậm chí phải đánh cả ô tô vào mới đón được người! Chuyện nghe thì khó tin nhưng đó là những gì đang diễn ra hàng ngày ở Cha Cuông.

Chúng tôi đến nhà trưởng bản Lò Văn Thắng nhưng không gặp được vì anh bị ngã gãy chân đang phải đi điều trị trên bệnh viện ngoài thị trấn. Tuy vậy các con anh tiếp chúng tôi rất cởi mở và thân thiện, dưới gầm sàn mùi thịt trâu hun khói thơm cả một góc bản. Qua lời kể của người con dâu trưởng bản thì hôm qua gia đình cô mới thịt một con trâu, những anh em đến làm giúp thì được biếu mỗi gia đình một ít, còn lại nhà để ăn và sấy khô chứ không bán! Bên cạnh chiếc lò sấy đang đỏ rực là mấy can rượu to, loại 20 lít, đây là rượu gia đình tự nấu để phục vụ các hộ trong cả bản. Chúng tôi gọi điện cho trưởng bản để hỏi về một số nội dung liên quan đến vấn đề trả tiền vay vốn thuộc Chương trình 167 (chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của Chính phủ). Theo lời của trưởng bản thì hầu như các gia đình thuộc diện này đều không chịu trả tiền khi đến hạn, đa phần không có tiền nhưng cũng có trường hợp không chịu trả cho dù nhà thì họ đã ở bao năm nay đến lúc đã xuống cấp. Theo chỉ dẫn của anh Thắng, chúng tôi tìm đến một vài gia đình để tìm hiểu thì hầu như đều trong tình trạng đang uống rượu hoặc đã lâng lâng hơi men... Ở một trong những gia đình như vậy, người phụ nữ (chúng tôi không tiện nêu tên) cho biết: Sở dĩ nữ chủ nhà có nhiều vết thâm tím trên mặt là do cách đây mấy hôm chồng đưa tiền cho đi mua rượu và chị ấy mua rồi uống luôn, uống cho say mới về! Và thế là cơn thèm rượu của chồng đã trút hết lên mặt vợ!

Chúng tôi trở về nhà trưởng bản lúc đã là 10 giờ. Hàng chục người cầm chai nhựa đến mua rượu, loại chai được đem theo chủ yếu là chai cocacola loại 135ml. Trong số hàng chục người đi mua rượu ấy, nhiều người đã ở trạng thái lâng lâng, chân đi không vững! Người đi mua rượu đông đến nỗi có lúc phải xếp hàng chờ đến lượt. Cũng theo lời của anh bạn đi cùng thì chỉ cách đây mấy tháng, có một thanh niên ở bản này đang đi “làm giúp” cho anh phải mượn tiền về ngay trong đêm để lo đám tang cho người bố bị bệnh và chết do uống nhiều rượu.

Trở lại câu chuyện với ông Chủ tịch xã Lường Văn Thoạn, xã Ẳng Tở có 3 bản người Khơ Mú sinh sống tập trung là Cha Cuông, Tọ Cuông và Huổi Hỏm. Trong đó bản Cha Cuông vốn có nhiều đất rừng và ruộng nước nhưng vẫn nghèo đói triền miên. Lý do nghèo đói được ông chủ tịch giải thích là có bao nhiêu đất rừng thì hầu như người dân ở đây đã chuyển nhượng hết cho người nơi khác đến làm trang trại, đất ruộng cũng không giữ lại nhiều mà chủ yếu họ chỉ thích đi “làm giúp”, “làm hộ” để được cảm ơn bằng tiền hoặc bằng nông sản... Mặt khác, mỗi khi trong bản có đám tang, đám cưới thì cả bản lại uống rượu triền miên mấy ngày liền, sau đó thì dư âm còn kéo dài thêm vài ngày nữa...

Với tư duy “có gì ăn đấy”, làm được đến đâu ăn đến đấy là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay ở Cha Cuông. Khi cách nghĩ chưa thay đổi và những hủ tục lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người Khơ Mú nơi đây thì cái đói cái nghèo vẫn sẽ còn đồng hành với họ. Do vậy, làm sao để giải bài toán xóa đói, giảm nghèo ở Cha Cuông vẫn đang là một thách thức lớn đặt ra cho các cấp chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top