Ký ức cựu thanh niên xung phong

09:38 - Thứ Tư, 28/02/2018 Lượt xem: 9431 In bài viết
ĐBP - Điện Biên những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, ngập tràn khí thế trước sự kiện trọng đại Kỷ niệm 64 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời gian trôi qua, nhưng ký ức về một thời oanh liệt nơi vùng đất cực Tây của Tổ quốc mãi in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Thành May – một cựu thanh niên xung phong ngành Giao thông - Vận tải. Ông là một trong những người đã góp sức làm nên những cung đường (Quốc lộ 279) sau chiến công vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Thành May (78 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ trong một ngày đầu xuân. Trong căn nhà ấm cúng, giản dị tại tổ 8, phường Noong Bua, ông May cho biết: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, nhiệm vụ cấp bách là khắc phục giao thông do hậu quả chiến tranh để lại, vì thế Sở Giao thông công chính khu đã thành lập công trường 111, 112 và huy động hàng chục nghìn dân công, thuyền, ngựa thồ trên các châu lỵ, như: Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Lay, Phong Thổ (thuộc tỉnh Lai Châu cũ) theo đường mòn, qua khe núi, suối cạn và dựa theo đường kéo pháo năm xưa khắc phục giao thông, để các loại xe thô sơ, xe ben chở dầu hỏa, gạo, muối phục vụ nhân dân các dân tộc Lai Châu; đồng thời khắc phục hậu quả chiến tranh và xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu.

 

Ông Nguyễn Thành May (ngồi giữa) và đồng đội của mình đang ôn lại những năm tháng tình nguyện đi mở đường, khắc phục giao thông sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mọi ký ức một thời cống hiến sức trẻ trên những cung đường Tây Bắc như ùa về, và hiện hữu trong tâm trí người cựu thanh niên xung phong, ông May bồi hồi kể: Trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; nhằm đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, năm 1958 những nam thanh, nữ tú thuộc các tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng: Hà Tây (cũ), Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên... tuổi đời vừa tròn mười tám, đôi mươi theo tiếng gọi Tổ quốc tình nguyện lên Tây Bắc, mở đường xây dựng Lai Châu. Chỉ với cuốc, xẻng, xà beng và choòng, trên 5.400 thanh nhiên xung phong không quản ngại gian khó đã lao động quần quật suốt 5 năm (1958 - 1963), đào đất, phá đá, san lấp hàng nghìn mét khối đất đá, làm hàng trăm cây cầu, cống, mở thông 116km tuyến đường 279 (từ huyện Tuần Giáo đi Tây Trang). Có những khu vực vách núi cheo leo, nhiều đá gan trâu, đá mặt quỷ như đoạn đèo Tằng Quái, choòng đục lỗ nổ mìn chùn cả choòng, gãy choòng, thậm chí còn phải buộc dây ngang bụng treo mình trên vách núi để đục đá, nổ mìn. Những vị trí nguy hiểm, khó thực hiện Ban Chỉ huy Đại công trường phải tổ chức chọn những thanh niên nhanh nhẹn, gan dạ để buộc dây ngang bụng, tụt xuống đốt mìn, rồi lại kéo dây lên thật nhanh để còn kịp chạy trước khi mìn nổ...

Những năm tháng hào hùng vừa mở đường, vừa chống chiến tranh phá hoại đế quốc Mỹ, không cảm phục sao được! Khi hàng nghìn anh chị em vừa hôm qua còn là học sinh, sinh viên, nông dân chân lấm tay bùn, họ đã vì một Tây Bắc “Hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc”, quên đi tuổi trẻ và những hoài bão ước mơ hăng say lao động quên mình trên những cung đường; biết bao tấm gương lao động sản xuất, chiến sỹ thi đua trên công trường, những kiện tướng phá đá nổ mìn như anh Tường Duy Đức (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên); kiện tướng đào đất đá như đồng chí Phạm Văn Hỗ (Hưng Yên), mỗi ngày đào 150m3 đất, đá; những nữ thanh niên xung phong gánh trên vai 120kg cấp phối, như: chị Đàm Thị Săm, Đoàn Thị Cường (Hưng Yên).

Ông Nguyễn Thành May rưng rưng: “Quốc lộ 279 và quốc lộ 6 đều có sự hy sinh mất mát bao đồng đội của chúng tôi, máu đã đổ và nước mắt đã rơi trên những cung đường này. Đến nay Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh đã quy tập được 56 mộ liệt sỹ tại nghĩa trang Na Hai, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên và 21 phần mộ tại nghĩa trang Nà Tấu (huyện Điện Biên); công sức chẳng là bao so với sự hy sinh của đồng đội trên khắp nẻo đường ”.

Có lẽ, vĩnh viễn trong thời đại của máy móc ngày nay, chúng ta sẽ không phải treo mình lơ lửng trên vách núi cao để đục từng mi-li-mét đá; không còn phải đổ quá nhiều mồ hôi và máu để lập kỷ lục bi tráng như thế nữa. Giờ đây, ở cái tuổi như cổ “thất thập cổ lai hy”, ông May luôn tâm niệm rằng, phần đời hào sảng nhất, xả thân vì cộng đồng nhất mà ông đã có, ấy chính là những năm tháng tuổi trẻ tình nguyện đi mở đường xây dựng tỉnh Lai Châu. Cuốn sách “Rạng danh truyền thống thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên”, do Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh vừa phát hành, như một nén tâm nhang gửi tới vong linh những cựu thanh niên xung phong đã nằm xuống nơi cuối trời Tây Bắc, để ngày hôm nay - trước Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những chiến hữu của họ dù đã đầu bạc, răng long và cả những thế hệ con cháu mai sau mãi không thể nào quên.

Bài ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top