Hua Ca đã đổi thay

09:06 - Thứ Năm, 01/03/2018 Lượt xem: 9912 In bài viết
ĐBP - Những ngày cuối tháng Chạp, ngã ba quốc lộ 6 tại thị trấn Tuần Giáo thênh thang và tấp nập người xe. Tôi nhằm hướng đèo Pha Ðin tìm đến bản Hua Ca. Trong nắng sớm, mảnh đất dưới chân đèo Pha Ðin như bức tranh sơn dầu nhiều màu sắc.

Hua Ca, một bản của xã Quài Tở, thuộc huyện Tuần Giáo - nơi có hơn 70 hộ đồng bào Khơ Mú định cư. Hua Ca là một minh chứng sinh động cho những nỗ lực vượt qua đói nghèo, lạc hậu của đồng bào dân tộc bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ thiết thực của Chính phủ. Ngay dưới chân đèo Pha Ðin phía bên tay phải là con đường bê tông dẫn vào bản Hua Ca. Mặt đường đổ xi măng kiên cố, xe tải đi lại dễ dàng, taluy âm được xây kè và có chắn rào phòng vệ mềm, công trình này trị giá hàng trăm triệu đồng, thể hiện sự quan tâm đầu tư của Ðảng và Nhà nước đối với người dân Hua Ca. Từ mấy năm nay, con đường hoàn thành đã thay thế lối mòn vào bản vừa nhỏ hẹp lại dốc đứng, khi mùa mưa đến thì lầy lội và trơn như đổ mỡ, ô tô hay xe máy cũng không đi lại được. Chúng tôi đến Hua Ca cùng với một cô giáo, nghe nói khi chưa có con đường bê tông, ngày ngày người dân phải đi qua một cây cầu không phải làm bằng tre, cũng chẳng phải là gỗ, nó chắp vá, vắt vẻo và đung đưa như một sợi dây. Con đường đáp ứng mong đợi, mơ ước của bao thế hệ người Khơ Mú ở Hua Ca; giúp hơn 70 hộ đi lại dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi và bớt nhọc nhằn cho bà con vì không phải gùi, phải cõng thóc ngô hay hàng hóa qua chiếc cầu tạm đong đưa và cũ nát.

Ngay đầu bản Hua Ca là ngôi trường mẫu giáo còn tươi màu sơn, nay con em của bản đã hết cảnh phải học dưới gầm sàn, hay từng hộ gia đình phải thay phiên nhau cho cô trò mẫu giáo mượn nhà làm lớp học. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu, giáo viên điểm bản Hua Ca tâm sự: Những năm gần đây, nhận thức của người Hua Ca về việc học của con em đã chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực. Ðời sống vật chất của bà con cũng được nâng lên rõ rệt. Thấy được lợi ích của cái chữ nên trẻ con được học từ mẫu giáo; mấy năm nay, tỷ lệ huy động trẻ trong bản ra lớp đạt hơn 98%. Ðã có nhiều con em của bản trở thành y sĩ, giáo viên, sĩ quan quân đội và đang là sinh viên của các trường cao đẳng chuyên nghiệp trong tỉnh. Bể nước công cộng cạnh ngôi trường mẫu giáo mới xây rộn rã tiếng cười nói của mấy chị giặt giũ, lau chùi lá bánh, bát đĩa.

Không chỉ có đường giao thông nội bản, nhà lớp học, mà trong những năm gần đây, bản Hua Ca đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình phúc lợi, trị giá hàng tỷ đồng như: lưới điện quốc gia; hệ thống công trình nước sinh hoạt và thủy lợi. Bên cạnh đó, người dân còn được trợ cấp hạt giống lương thực, giống vật nuôi; vay vốn lãi suất thấp để phát triển chăn nuôi, trồng trọt… Nhờ đó mà Hua Ca đã vươn lên mau chóng. Cách đây khoảng chục năm về trước, so với các điểm dân cư khác trong xã Quài Tở nói riêng và của Tuần Giáo nói chung thì Hua Ca lạc hậu, nghèo đói hơn cả. Nhưng nay đời sống người dân đã có nhiều thay đổi rõ nét. Khởi sắc đáng mừng hơn cả ở Hua Ca chính là người dân đã xoá bỏ được nhiều tập quán, hủ tục trong đời sống. Ma chay, cưới xin không còn phải mổ trâu, mổ bò và ăn uống linh đình như xưa; thầy cúng, thầy mo hết chỗ ở Hua Ca, vì người dân có trạm xá, bệnh viện chứ không tin vào chuyện ma quỷ hại người. Du canh, sản xuất nhờ trời được ăn, mất thì chịu là chuyện đã xưa. Ngày nay dân bản trồng ngô trên nương hay cấy lúa dưới ruộng đều chọn giống mới, đầu tư phân bón để cây cho nhiều bông nhiều hạt; nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại cho thu nhập hàng chục triệu đồng để làm nhà, mua xe máy.

Ðến với Hua Ca, chúng tôi cảm nhận được sự ấm no trong mỗi nếp nhà sàn. Nhà nào cũng có nồi cơm điện, quạt máy, tủ lạnh, ti vi và hầu hết hộ nào cũng có xe máy. Trong bữa cơm trưa thơm mùi nếp mới và đậm đà vị cá nướng, già làng Lò Văn Ó hồ hởi nói: Ngày trước người Khơ Mú chúng tôi lạc hậu và nghèo đói nhất so với các dân tộc thiểu số khác trong xã, trong huyện, nhưng bây giờ các anh thấy rồi đấy, nhà ai cũng biết làm cây lúa nước; con cháu thì được học chữ; thóc gạo no đủ quanh năm lại được Chính phủ miễn thuế, hỗ trợ vốn làm ăn, tôi thấy thế là sướng lắm rồi.

Ðiều chúng tôi thấy thú vị là ngay lối vào rừng khoanh nuôi của bản có một phiến gỗ to, trên đó ghi rõ bằng sơn trắng nội quy bảo vệ rừng và điều khoản xử phạt vi phạm quy ước do bản đề ra. Từ năm 1994 đến nay, dân bản Hua Ca đã khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ tốt gần 60ha rừng; trong đó có 20ha cây trẩu và tre được trồng thêm từ hơn hơn 20 năm nay. Bằng những quy ước cụ thể được chính người dân trong bản cùng nhau bàn bạc, đề ra và đồng tình thực hiện. Họ cam kết với nhau và với chính quyền xã không đốt, phá, chặt cây rừng để làm nương bừa bãi; không thả trâu bò và mang lửa vào rừng; mỗi năm huy động 2 lần nhân lực của từng gia đình để phát dọn cây cỏ, phòng chống cháy rừng. Quy ước đề ra do cả bản cam kết thực hiện, nếu ai vi phạm đều bị xử phạt bằng tiền, hoặc góp sức người lao động công ích cho bản. Trong vòng hơn chục năm qua, nhờ khoanh nuôi, bảo vệ tốt gần 60ha rừng mà người dân trong bản có thể khai thác tre, gỗ để sửa chữa nhà ở, làm chuồng trại gia súc và làm chất đốt hàng ngày. Quan trọng hơn cả là người dân trong bản đã ý thức được tầm quan trọng của rừng đối với môi trường sống của chính họ.

Hua Ca chưa giàu có nhưng không còn hộ đói ăn như xưa; không còn nhà tranh tre, tạm bợ, nhà nào cũng có điện để sinh hoạt, xem ti vi và có xe máy để đi lại. Hua Ca đã và đang thay đổi nhanh chóng nhờ dân bản đã loại bỏ những tập tục cũ, học hỏi được nhiều điều hay trong cách làm ăn và xây dựng nếp sống mới. Tết đến xuân về, người Khơ Mú ở Hua Ca đang rộn rã, tưng bừng đón năm mới no đủ và ấm cúng.

Kông Thao
Bình luận
Back To Top