Những viên thuốc ấm tình quân dân

09:24 - Thứ Sáu, 02/03/2018 Lượt xem: 11043 In bài viết
ĐBP - Tại nhiều địa bàn vùng cao, biên giới của tỉnh ta, việc người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe đôi khi vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi giao thông cách trở, cơ sở y tế lại chỉ được đặt tại trung tâm các xã, huyện. Vì vậy, ở những khu vực này, quân y bộ đội biên phòng chính là người thầy thuốc gần gũi nhất, được bà con vùng biên tin tưởng và yêu quý.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 3 trạm quân dân y kết hợp, đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân khu vực biên giới. Năm 2017, các trạm đã khám, điều trị cho hơn 1.500 lượt người. Ngoài trạm quân dân y, mỗi đồn biên phòng đều có cán bộ quân y, ngoài nhiệm vụ chính chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn tham gia khám, chữa bệnh cho người dân tại địa bàn. Ở một số khu vực đặc biệt khó khăn hay các bản vùng sâu, vùng xa, nơi dịch vụ y tế và nhận thức người dân còn hạn chế thì quân y biên phòng chính là những người thầy thuốc đi từng bản, đến từng nhà có người bệnh để tư vấn, chữa trị cho bà con, vận động loại bỏ hủ tục, tuyên truyền nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe.

 

Cán bộ quân y Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ khám bệnh cho người dân trên địa bàn.

Tùy từng địa bàn, mỗi đồn biên phòng thăm khám, cấp phát thuốc cho từ 100 - 200 lượt người/năm; đồng thời làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS cho hàng nghìn lượt người. Không ít trường hợp bệnh nặng, sinh khó, tai nạn săn bắn, tai nạn lao động… ở những bản xa đã được các chiến sĩ quân y cấp cứu, xử trí kịp thời, đảm bảo tính mạng cho người dân. Ðại úy quân y Dương Mạnh Long đã gắn bó với các tuyến biên giới Ðiện Biên hơn 15 năm kể lại: “Trước đây tôi công tác tại Ðồn Biên phòng Sen Thượng (huyện Mường Nhé) và đã có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với người dân nơi đây. Nhiều lần tham gia điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân nguy cấp. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là 3 lần đỡ đẻ thành công 3 ca sinh khó tại các bản cách xa trung tâm xã, sau đó được gia đình sản phụ tin quý, nhờ tôi đặt tên cho các cháu bé và coi như người thân trong nhà”.

Hiện tại, Ðại úy Dương Mạnh Long đã chuyển công tác đến Ðồn Biên phòng Mường Nhà (huyện Ðiện Biên). Tuy đây là địa bàn cách thành phố chỉ hơn 40km, có phần thuận lợi hơn nhưng nhiều người dân các bản vùng cao vẫn coi Ðồn cùng các đồng chí quân y là địa chỉ tin cậy đến thăm khám, tư vấn, chữa trị bệnh. Ðại úy Long cho biết: Mỗi tháng, Ðồn khám, chữa bệnh cho khoảng 10 lượt người dân, chủ yếu từ các bản xa trung tâm xã. Không chỉ bà con tìm đến Ðồn mà mỗi chuyến tuần tra biên giới, bộ phận quân y đều cùng tham gia và mang theo nhiều dụng cụ y tế cơ bản cùng thuốc để vừa đảm bảo sức khỏe cho anh em chiến sĩ vừa tranh thủ thăm khám cho bà con các bản sát biên giới. Trong năm, chúng tôi cũng đã phối hợp với trạm y tế 2 xã (Mường Nhà, Na Tông) triển khai tiêm chủng mở rộng cho 1.745 lượt trẻ em, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS cho hơn 300 lượt người, xét nghiệm HIV cho 100 lượt người”.

Ðược biết, tại các đồn biên phòng, số thuốc phát cho người dân đều được san sẻ từ nguồn thuốc cấp cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, dù thuốc được cấp theo chỉ tiêu quân số, nguồn còn hạn chế. Như tại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, mặc dù đã chia tách được 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa có trạm y tế xã. Ðể đảm bảo sức khỏe cho đồng bào các dân tộc nơi đây, các cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ đã tăng cường bám địa bàn, tranh thủ thời gian khám, chữa bệnh cho nhân dân, dành quỹ thuốc ít ỏi của mình để chia sẻ cho bà con mỗi khi đau ốm. Bà Ma Thị Phổng, bản Nậm Nhừ 3, chia sẻ: “Từ lâu, nhà tôi đã quen có bệnh là tìm đến Ðồn. Lần nào các anh cũng khám và cho thuốc, dặn dò cách uống, chăm sóc cho mau khỏi. Nhờ vậy mà có sức khỏe đảm bảo để lên nương, lao động kiếm sống”. Với những sẻ chia đầy nghĩa tình đó, hình ảnh người thầy thuốc biên phòng, người lính mang quân hàm xanh càng trở nên gần gũi, đầy tin yêu trong lòng người dân vùng cao biên giới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top