Him Lam kiên cường dựng xây cuộc sống mới

09:03 - Thứ Năm, 08/03/2018 Lượt xem: 8920 In bài viết
ĐBP - Là cộng đồng dân tộc bản địa sinh sống lâu năm tại thung lũng Mường Thanh, lại nằm ở vị trí cửa ngõ trung tâm Ðiện Biên Phủ, người dân Him Lam (nay thuộc phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ) đã chứng kiến và trải qua biết bao thăng trầm cùng mảnh đất này. Ðó là một quá khứ mất mát, đau thương của những ngày bom đạn, rồi bao gian khó, vất vả để “hồi sinh” cuộc sống sau thời chiến. Bằng sự kiên cường và khát vọng dựng xây, bản Him Lam đã vượt qua mọi gian khó, đổi thay hoàn toàn với diện mạo mới yên bình, no ấm và văn minh.

Kiên cường trong đau thương, mất mát

Tháng 11/1953, từ “trên trời”, quân Pháp nhả hàng loạt đạn càn quét khắp thung lũng Mường Thanh làm người dân vô cùng hoảng sợ, rồi nhảy dù xuống chiếm đóng. Sau đó chúng thực hiện chính sách dồn dân vào các trại tập trung để dễ dàng quản lý. Khi ấy, người dân bản Him Lam cũng bị đưa về sống tập trung tại khu vực bản Ten, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) ngày nay. Chúng cướp sạch của cải, trâu, bò, lợn, gà của bà con; dùng cưa máy hạ hàng trăm ngôi nhà sàn lớn trong vùng để lấy gỗ gia cố hầm nhằm chống pháo của Việt Minh, rồi phóng hỏa thiêu rụi những gì còn sót lại, xóa sổ các bản đồng bào dân tộc bản địa. Không chỉ vậy, quân Pháp còn bắt đàn ông khỏe mạnh đi làm lính và phu đào công sự, ép các cô gái trẻ đẹp vào đồn làm phục dịch, thỏa mãn các thú vui cho chúng. Ai chống lại thì bị hành hạ, đánh đập.

 

Một góc bản Him Lam 2 hôm nay.

Khi quân Pháp đổ bộ vào địa bàn, ông Lò Văn Cu (bản Him Lam 2 bây giờ) là cậu thanh niên vừa tròn 18 tuổi. Năm nay ông Cu đã bước sang tuổi 82 nhưng những ngày bi thương ấy vẫn còn in đậm trong ký ức, làm ông ngậm ngùi khi nhớ lại. Ông kể: “Trước năm 1953, bản Him Lam có khoảng 30 hộ sống trong yên bình, vui vẻ. Bất ngờ, Pháp đổ bộ khiến mọi thứ thay đổi, người dân mất tất cả, 28 mẫu ruộng của cả bản vừa chín tới chưa kịp gặt cũng bị Pháp phá nát rồi bỏ hoang. Khổ nhất là những ngày sống trong trại tập trung ăn đói mặc rét, đông đúc ngột ngạt, rồi vệ sinh không được đảm bảo, bệnh tật ốm đau hàng loạt”. Nói đến đây, gương mặt sạm màu thời gian và những vết chân chim của ông Cu càng trở nên trầm ngâm. Ðược biết, ông Cu là con thứ 4 trong gia đình có 8 anh chị em, 2 anh rể của ông bị bắt đi lính cho Pháp, người chị kế trên không may mắc bệnh trong thời gian ở trại tập trung nhưng không có thuốc chữa trị nên sớm qua đời. Ðây cũng là cảnh chung của bao người dân bản Him Lam thời ấy, gia đình li tán vì bắt bớ, nô dịch, nhiều cô gái trẻ phải tằng cẩu giả là đã có chồng vẫn vào tầm ngắm của chúng. Rồi ốm đau không có thuốc, đói không có cái ăn, bữa nào no thì cơm độn ngô, sắn, không thì chỉ ăn rau dại lót dạ hay nhịn đói cho qua ngày. “Mặc dù cuộc sống thiếu thốn, khổ ải là thế nhưng người dân trong bản vẫn đi theo cách mạng. Ðêm đến, cán bộ Việt minh lẻn vào tuyên truyền, động viên, giúp đỡ làm bà con càng thêm tin tưởng, bảo ban nhau cố gắng, không được trốn sang Lào, không làm tay sai cho Pháp và tin rằng quân đội cụ Hồ sẽ sớm giải phóng nơi đây” - ông Cu kể thêm.

Ði lên với khát vọng dựng xây

Ðúng như niềm tin, mong chờ của người dân Him Lam, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng, tạo tiếng vang “chấn động địa cầu”, giải phóng người dân Mường Thanh khỏi áp bức, nô dịch. Sau Chiến dịch, được bộ đội giúp đỡ, nhân dân vùng lòng chảo đưa nhau về bản cũ an cư. Từ đống hoang tàn đổ nát, bà con Him Lam bắt tay vào dựng nhà ở tạm, cải tạo ruộng vườn. Những lớp học xóa mù chữ của “thầy giáo bộ đội” cũng được mở ra, cuộc sống nhanh chóng hồi sinh.

Ðến những năm 1970, do nhu cầu phát triển, bản Him Lam chia tách, hầu hết hộ dân chuyển nơi ở mới, lập bản Him Lam 2 (cách bản cũ gần 1 cây số men theo dòng Nậm Rốm). Ngày nay, Him Lam 2 nằm ngay trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ, dù cuộc sống thành thị ngày càng hiện đại nhưng nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa với những mái nhà sàn đặc trưng, các phong tục, tập quán truyền thống của người dân tộc Thái đen. Bản Him Lam 2 còn trở thành bản văn hóa du lịch, hàng năm đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, giao lưu ẩm thực, văn nghệ. Ông Lường Văn Chựa, Trưởng bản cho biết: “Him Lam 2 hiện có 215 hộ dân với trên 90% người dân bản địa. Trong bản không còn nhiều hộ làm nông nghiệp nữa, diện tích lúa tại cánh đồng Him Lam xưa chỉ còn hơn 5,5ha, giờ đây các hộ làm nhiều công việc khác nhau, như: Cơ khí, xây dựng, buôn bán, dịch vụ du lịch… Nhờ phát triển đa ngành nghề và biết nắm bắt lợi thế bản văn hóa du lịch, đời sống của bà con ngày càng no ấm, trên 85% gia đình có kinh tế khá giả trở lên, cả bản chỉ còn 1 hộ nghèo là mẹ đơn thân nuôi con. Học sinh trong độ tuổi đến trường, đa số thanh niên đều được đào tạo ngành nghề cơ bản, có công việc tự lập cuộc sống. An ninh trật tự trong bản được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội làm xáo trộn cuộc sống”.

Chúng tôi dạo một vòng quanh bản, nhận thấy từng ngõ nhỏ đều đã được rải bê tông sạch sẽ, nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Cùng với đó là hình ảnh những đứa trẻ vô tư tung tăng chạy nhảy; các bà, các mẹ thong thả cầm ghế mây, xách giỏ đi chợ sớm trên chiếc cầu treo lối vào bản. Cuộc sống ngay trong lòng thành phố trẻ nhưng vô cùng yên bình, giản dị mà vẫn lôi cuốn, níu chân khách phương xa, như chính con người nơi đây vậy - thân thiện, chất phác mà mạnh mẽ, kiên cường vượt qua mọi gian khó, vun đắp cuộc sống mới ấm no.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top