Sinh hoạt tư tưởng

Chỉ thị, nghị quyết phải được “sống” thực sự

08:57 - Thứ Hai, 12/03/2018 Lượt xem: 11080 In bài viết
ĐBP - Chúng ta vẫn thấy trong nhiều báo cáo có những con số rất đáng khích lệ về kết quả quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của đảng các cấp: 100% tổ chức cơ sở đảng; 95% trở lên, thậm chí là 100% đảng viên... được tiếp thu, học tập nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng. Song thực tế, việc tổ chức phổ biến, quán triệt, học tập chỉ thị, nghị quyết đã thực sự hợp lý chưa; chỉ thị, nghị quyết có được tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc không; triển khai trong thực tế như thế nào... lại là chuyện cần bàn.

Vì mục đích cuối cùng mà chỉ thị, nghị quyết ra đời là để đi vào thực tế cuộc sống, công việc, phục vụ và góp phần hoàn thành mục tiêu mà các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân đề ra. Và đối tượng trực tiếp nhất làm cho chỉ thị, nghị quyết đi vào đời sống, phát huy giá trị là cơ sở, là từng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân... cho nên đây chính là địa chỉ cần phải “thấm” nhất, hiểu đúng, hiểu rõ và đưa vào cuộc sống hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, thực tế ở không ít tổ chức cơ sở đảng, việc phổ biến, quán triệt, triển khai một số chỉ thị, nghị quyết vẫn trong tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”. Có những chỉ thị, nghị quyết ở cấp tỉnh rất được quan tâm, tổ chức phổ biến quán triệt bài bản, đầu tư thời gian, bố trí báo cáo viên, tài liệu khoa học. Nhưng càng gần về cơ sở việc học tập, triển khai lại được rút ngắn thời gian hơn. Có những Nghị quyết cấp tỉnh học 2 ngày thì về đến chi bộ thôn, bản chỉ còn 1/2 ngày, hay một chốc một lát gặp nhau ở nhà trưởng bản, bí thư chi bộ vào buổi tối.

Bên cạnh vấn đề đầu tư thời gian là câu chuyện nỗ lực nghiên cứu chỉ thị một cách nghiêm túc; làm cho tinh thần chỉ thị, nghị quyết đi vào từng phần việc, nhiệm vụ của mỗi tập thể, cá nhân một cách thiết thực, sáng tạo, phù hợp với cơ sở. Thiết nghĩ, sẽ khó để khẳng định việc học tập, triển khai chỉ thị, nghị quyết đã thực sự hiệu quả, bởi nơi đang tiếp thu trong thời gian ngắn nhất, có mặt bằng dân trí không đồng đều nhất,... lại là nơi đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là làm cho chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống. Cần phải làm cho chỉ thị, nghị quyết “sống” thực sự trong đời sống, bắt đầu từ việc phổ biến, quán triệt, triển khai tích cực, phù hợp, hiệu quả...

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top